Saturday, October 09, 2004

 

Cười ngắn !

Do hệ thống đèn tín hiệu tại các ngã tư đang từng bước đổi mới. Thằng bé sáu tuổi ngồi xe thấy bố cứ cho xe vượt đèn đỏ một cách tỉnh rụi, nó liền nói:
- Bố không nhìn thấy đèn tín hiệu đang đỏ sao?
- Không !
- Nhưng nó đỏ lòm thế kia mà ?
- À... tại bố cứ nhìn vào cây đèn tín hiệu cũ. Mà đèn cũ thì đang tắt, con ạ !

CÒN AI ?
Trong thời điểm xăng dầu lên giá, thuốc Tây... lên ngôi, cho nên vật giá cũng gây nhiều ... lên ruột! Một bà vợ nói với chồng:
- Lương bổng của ông đến bữa nay mà vẫn chưa thấy tăng lên đồng nào cho tui đỡ khổ sao?
- Thì... từ từ. Bộ bà tưởng chỉ mỗi mình bà là nóng ruột thôi ư?
- Chứ ông nói còn ai nóng ruột nữa?
- Còn... dì út chúng nó!
- ???!!!

ĐANG LỖ !
Sếp vừa về nhậm chức, muốn biết tình hình khen thưởng ở đơn vị mới này ra sao, liền gọi tay trợ lý vào:
- Sao? Mọi năm anh nhận thưởng nhiều ít ở công ty ta?
- Thường thì từ một đến... mười triệu!
- Sao lại có chênh lệch xa thế?
- Vì cũng còn tùy vào mức độ lợi nhuận của công ty nữa, sếp ạ!
- Thế quý vừa rồi anh lãnh được bao nhiêu?
- Thưa, bị trừ vào lương mất ba trăm nghìn!

NGHE LỜI !
Bà thủ kho kêu tay bảo vệ vào hỏi:
- Này, cậu có biết ai vào đây lấy mất năm hộp sữa của tôi không?
- Của bà thì tôi không biết!
- À quên, nói nhầm. Của công ty chứ?
- Thế thì tôi biết!
- Vậy ai lấy?
- Tôi! Hôm nọ bà nghỉ ốm, sếp bảo “hổm nay vắng bà ấy rồi tha hồ mà chôm chỉa đi nghen?”. Thế là tôi đã làm y như lời sếp bảo!

VẪN CÒN !
Thằng bé trông mãi vẫn không thấy ai cho tiền, nó bèn nói với mẹ:
- Con ghét mẹ. Con ghét cả bố!
- Sao con lại nói thế?
- Bố mẹ chẳng chịu cho tiền con!
- Hết tiêu chuẩn cho rồi con ạ?
- Nhưng cô thư ký thì vẫn còn cho đấy!
- Cô ấy cho con hồi nào, ở đâu?
- Hôm qua, trong phòng riêng của bố lúc mẹ đi vắng!
- ???!!!

THỊ HẾN


 

Tại cái ... đĩa mềm

Không cần gì cả em ơi
Miễn sao anh được một đời… bên em
Gia tài ông nhạc… không thèm
Chỉ xin trả cái… đĩa mềm cho anh (?)
Bên trong có bức thư tình
“E-mail... bồ cũ” của anh… thuở nào (!)
Số xui biết phải làm sao
Tự nhiên ba biểu “đưa tao” thế là…
Bây giờ… kẹt dữ à nha
Hay em lén lấy cặp da ổng giùm
Thủ tiêu “chứng cứ” cho xong
Bằng không ổng “quậy” đừng hòng bên nhau!
Hai tay… “bắt cá”… ôi dào
Chì, chài… mất sạch… lẽ nào… Trời ơi!!!

TÚ SỤN


 

Giá... thành !

Một nhà hàng khách sạn “ba sao” do một “vua bếp” khét tiếng “chuyên trị” các món gà “ngon nhất xứ” nên rất đông khách. Nhưng sau cái vụ … dịch cúm gà H5N1, nhà hàng của ông ế ẩm... thấy thương! vì trừ các “em” gà ra, “vua bếp” hoàn toàn… bất lực! Thế là ông quyết định phải chuyển hướng làm ăn, bằng cách sẽ cho khại trương lại “Nhà hàng Khách sạn Gà” bằng tên mới là“Nhà hàng Khách sạn... Bò”!

Để có “khí thế”, ông quyết định thuê một siêu người mẫu thế giới qua dự lễ cắt băng khai trương, hầu được dịp “quẳng bá thương hiệu” nhằm lôi kéo lại thực khách.

Cái ngày “trọng đại” đã đến! Trong không khí tưng bừng...khí thế, sau lời giới thiệu trịnh trọng của “em xi”, cô người mẫu thế giới đang chuẩn bị thực hiện công việc … cắt băng khánh thành thì từ trong khán đài bất ngờ phát ra âm thanh khàn khàn... của sếp:

- Khoan đã. Tôi cũng có “cắt” sao không thấy... giới thiệu?

Cử tọa hết nhìn nhau rồi lại nhìn... sếp. Riêng nàng siêu mẫu do không hiểu “tiếng ta” nên cứ thoải mái … hoàn thành nhiệm vụ. Tiếng vỗ tay hoan hô đang nổ rào rào thì giọng của sếp lại... vang lên:

- Không được, phải cắt lại thôi. Tôi với cô này sẽ cùng cắt!

Thế là dải băng mới được mang ra theo lệnh sếp. Lễ khai trương đã được trình diễn … thành công tốt đẹp! Nhưng ông chủ nhà hàng “té xỉu” khi nhìn tờ thanh toán “cát xê” cho siêu người mẫu:

- Tiền công cắt băng:150.000USD x 2 lần = 300.000USD.

ĐỒ CHUA


 

Các sự kiện lớn về công nghệ thông tin trong tuần này

TTO - Các fan của Linux sẽ tập hợp nhau lại tại hội thảo Thế giới Linux trong tuần này để “gây thanh thế” cho hệ điều hành mã nguồn mở. Sun Microsystems cũng sẽ có mặt trong cuộc hội thảo này.

Hiện Sun đã bị chỉ trích là không hỗ trợ đầy đủ cho tính tương thích với Red Hat. Simon Phipps, Giám đốc phụ trách công nghệ của Sun sẽ có một bài phát biểu then chốt trong hội thảo này với nội dung: Sun hứa sẽ ủng hộ hoàn toàn các dự án mã nguồn mở.

Tại San Francisco, các ngôi sao gạo cội của làng công nghệ thông tin toàn cầu sẽ tập hợp tại hội thảo chuyên đề về Web 2.0, trong đó có: Jeff Bezos (Giám đốc điều hành của Amazon), CEO Marc Benioff (Giám đốc điều hành Salesforce.com), nhà sáng lập Netscape - Marc Andreessen và Mary Meeker (chuyên gia phân tích cổ phiếu công nghệ nổi tiếng) … các “siêu sao” này sẽ có những bài phát biểu chuyên đề “quán triệt” đến từng lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hội nghị về các loại vi xử lý sẽ được tổ chức ở San Jose (California). Hội nghị này được tổ chức 2 năm 1 lần, lần này có sự tham gia của Diễn đàn Microprocessor và Diễn đàn Embedded Processor. Sun cũng tham dự vào hội nghị này với bài thảo luận về bộ vi xử lý UltraSparc IV+ hay còn gọi là Panther, đây cũng là hoạt động “chào hàng” của Sun cho các máy chủ công suất lớn.

Một sự kiện lớn khác cho giới hâm mộ video game, các cao thủ game giỏi nhất toàn cầu sẽ tranh tài với nhau ở vòng chung kết World Cyber Games ở San Francisco với giải thưởng lên đến hàng chục ngàn USD.

HOÀNG HẢI (Theo CNET)


 

Vươn lên từ giấc mơ viết phần mềm cho sinh viên

Tiền thân là "sân chơi" nhỏ do một nhóm sinh viên lập ra để thỏa ước mơ viết phần mềm, chỉ sau 2 năm, nhóm đã trở thành "đại gia" trong làng thiết kế phần mềm sinh viên. Thậm chí, từ năm 2002, nhóm còn được trường Cao đẳng Hoa Sen tín nhiệm gửi sinh viên sang để... thực tập.

Ở căn phòng nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân (quận Tân Bình, TP HCM), không khí làm việc lúc nào cũng diễn ra sôi nổi. Những khuôn mặt trẻ măng đang chăm chú vào màn hình máy tính. Tiếng click chuột, tiếng gõ bàn phím vang lên liên tục. Đó là cảnh thường ngày ở văn phòng làm việc của nhóm Phát triển phần mềm Sinh viên (Student software development group).

Thành lập từ năm 2001 với 7 thành viên đều là sinh viên của những trường đại học, cao đẳng trong thành phố như Cao đẳng Hoa Sen, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế... Mới ra đời, nhóm đã gây tiếng vang với sản phẩm "Cẩm nang sinh viên", một đĩa chương trình được giới trẻ rất ưa chuộng với những chương trình giải trí như: 1.000 địa chỉ quán ăn, quán nước cho sinh viên học sinh, tra cứu lời bài hát tiếng Việt, 150 truyện vui, 70 công thức chế biến món ăn, kỷ lục Guiness... Ngoài ra còn có chương trình "Vui để học" bổ ích như: Tài liệu ôn tập các môn Pháp luật đại cương, Triết học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng hay các chương trình từ điển tiếng Anh về động vật, cây, hoa, thành ngữ hán - Việt, tập hợp những câu ca dao, tục ngữ...

Anh Trần Tuấn Quy, nhóm phó, bồi hồi kể, đĩa chương trình đầu tiên "Cẩm nang sinh viên" được cả nhóm thực hiện trong 4 tháng. Đây là tác phẩm đầu tay nên ai cũng hăm hở, háo hức. Ban đầu các thành viên chỉ biết nhau từ những ngày học chung một số môn ở trường. Dần dần niềm đam mê lập trình máy tính đã nối kết từng thành viên lại với nhau. Đều là dân công nghệ thông tin, các bạn luôn day dứt với câu hỏi: "Tại sao ở các nước khác, giới sinh viên, học sinh rất "thừa thãi" những phần mềm phục vụ cho nhu cầu học tập của mình. Trong khi đó ở Việt Nam thì lại quá hiếm hoi?". Vậy là nhóm được thành lập để thỏa mãn ước mơ viết nên những chương trình phần mềm phù hợp với sinh viên Việt Nam.

Cứ thế, với phương châm thiết kế chương trình thiết thực với sinh viên, học sinh, đến nay, nhóm đã cho ra lò 16 sản phẩm. Có sản phẩm gây tiếng vang, được sinh viên ưa chuộng như: Dấu ấn Mùa hè xanh, Chinh phục hệ điều hành Windows trong vòng 24 giờ, Giáo trình đồ họa... Thậm chí, có nhiều bạn còn xem đó là những đĩa chương trình được liệt vào bộ "đĩa gối đầu" của mình.

Năm 2003, nhóm còn "cả gan" đem sản phẩm của mình đến tham dự hội chợ Phần mềm Softmart. Vậy mà thắng lớn. Gian hàng của nhóm thu hút nhiều khách tham quan nhất. Chưa hết, để quảng bá sản phẩm đến tận tay khách hàng, nhóm còn tích cực tham gia các hội chợ giới thiệu văn hóa phẩm ở nhiều trường đại học trong thành phố.

Bên cạnh thiết kế những chương trình phần mềm, nhóm còn đảm nhiệm luôn việc lắp ráp, nâng cấp máy vi tính, thiết kế trang web, cài đặt chương trình, thiết kế đồ họa để kiếm thêm thu nhập. Mai, Liêm, Nam, Hiếu... tuy chỉ là sinh viên vẫn còn đang miệt mài trên ghế nhà trường, nhưng thu nhập hằng tháng của các bạn đều ở mức từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Không chỉ đơn thuần là một nhóm kinh doanh sản phẩm phần mềm, mong muốn của từng thành viên trong nhóm là duy trì được một môi trường thực hành các kỹ năng về vi tính, hay rộng hơn nữa là một môi trường sinh hoạt đội, nhóm lành mạnh. Anh Quy cho biết, đó cũng là bí quyết giúp nhóm tồn tại được giữa một "rừng" các nhóm phát triển phần mềm sinh viên sớm nở tối tàn khác.

Bước đầu khó khăn cũng đã tạm vượt qua. Hiện nay, nhóm vẫn làm việc tại nhà của nhóm trưởng Trần Quý Thịnh. Tại phòng làm việc, bầu không khí chan hòa tràn ngập cả phòng. Anh Minh Tuyên, thành viên của nhóm, vui vẻ nói: "Ở đây là vậy đó, cứ cười nói suốt nhưng nhóm vẫn hoàn thành tốt công việc của mình. Vậy mới tài chứ!".

Tham vọng của nhóm là sẽ phát triển thành một công ty chuyên thiết kế phần mềm. "Tổng hành dinh" của nhóm trên đường Cách Mạng Tháng Tám đang được sửa chữa lại để tháng 10 có thể "an cư lạc nghiệp". Hiện thành viên của nhóm đã mở rộng với 8 người chính thức và 10 cộng tác thường xuyên. Sắp tới, dự định cả nhóm là sẽ tung ra giáo trình Autocad toàn tập, IQ test.

Hải Minh


Wednesday, October 06, 2004

 

Intel sắp tung ra chip Pentium 4 EE 3.46GHz FSB 1066MHz




Để giải quyết tình trạng "thắt cổ chai" đối với các bộ vi xử lý, Intel đang dự kiến tung ra thị trường một phiên bản mới của chip Pen IV EE có FSB lên tới 1066MHz.


Chipset 925XE mà Intel dự kiến sẽ đưa ra giới thiệu là một phiên bản của chipset 925X (đã được đưa ra gần đây), có khả năng hỗ trợ 1066MHz FSB. Các loại chipset Pen 4 hiện nay của Intel đang sử dụng 800MHz để kết nối bộ vi xử lý với bộ nhớ. Đường dây liên kết này đóng một vai trò quan trọng đối với hiệu suất xử lý của toàn bộ hệ thống.

Theo tiết lộ của Intel, chip Pen 4 EE (Extreme Edition) 3.46GHz, hỗ trợ FSB 1066MHz, sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới với 2MB kênh nhớ L3. Đây là chip có tốc độ cao nhất hiện nay của Intel hứa hẹn mang lại khả năng xử lý tuyệt vời đối với các ứng dụng game và đa truyền thông (multimedia).

Tuy nhiên, giá cả của chip cũng không dễ chịu chút nào, đơn giản chỉ vì nó có giá gấp hơn hai lần so với các chủng loại chip Pen 4 khá mạnh hiện nay. Với cái giá này, chắc hẳn các game thủ cũng cần suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định trang bị cho mình một con chip Pen 4 EE 3.46GHz FSB 1066MHz.

(Theo VDC Media)


 

Website thông tin gia phả dòng họ Việt Nam



Nhóm những người con gốc Quảng Nam đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh gồm: Hồng Sơn, Duy Hòa, Hoàng Vũ, Ngọc Vinh, Phú Thành, Võ Huy, Chí Nghĩa... cùng với sự hỗ trợ, góp ý của ông Phạm Côn Sơn và một cây bút quen thuộc trên tạp chí Kiến thức ngày nay là Huỳnh Ngọc Chiến đã thành lập một trang Web phi lợi nhuận “Việt Nam gia phả”. Đây là một nỗ lực đáng trân trọng với tinh thần gìn giữ bản sắc dân tộc Việt.

Tại địa chỉ www.vietnamgiapha.com chúng ta sẽ được cung cấp những bộ gia phả của các họ tộc từ 45 tỉnh thành trong cả nước. Không chỉ có vậy, Website này còn cung cấp cho người sử dụng những kiến thức tổng quan về gia phả qua dạng Hỏi-Đáp ở mục: ”Bài viết giới thiệu về gia phả”. Gồm các nội dung:

+ Lược sử tên họ người Việt
+ Gia phả là gì? Gia phả có phải là gia bảo?
+ Một gia phả hoàn chỉnh bao gồm những gì?
+ Đạo hiếu là gì?
+ Tục khao lão
+ Yến lão
+ Cách tạo lập một gia phả trên Vietnamgiapha.com

Nếu bạn là người quản lý gia phả dòng họ mình hãy đăng ký miễn phí để đưa lên mạng lưới thông tin có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu hiện nay thông qua vietnamgiapha.com

Website còn có một diễn đàn thảo luận thông qua địa chỉ http://forum.vietnamgiapha.com/ và các tư liệu về một số nhân vật lịch sử khác như: Trung Trinh Đại Vương - Nguyễn Xý; Nguyễn Phước Ánh - Vua Gia Long; Nguyễn Hoàng...

Theo Thanh Niên




 

Sành điệu "4 trong 1"



Hai năm trở lại đây, máy nghe nhạc nén được nhiều người lựa chọn là một công cụ giải trí nhiều tiện lợi nhờ tính di động, lưu được nhiều bài hát. Xu thế hội tụ của các sản phẩm kỹ thuật số ngày càng rõ hơn trong sự phát triển của các sản phẩm này.

Ngoài hai sản phẩm nổi trội nhất là iPod của Apple và Real Jukebox với bộ nhớ lên tới 40GB, các sản phẩm nghe nhạc nén MP3 thông dụng hiện nay đều có các tính năng phụ khác như ghi âm, đài FM. Tính tiện dụng của nhạc nén khiến cho nó xuất hiện nhiều trên các sản phẩm như điện thoại. Thậm chí, cả đồng hồ đeo tay của Casio hay Xonix đều có thêm chức năng nghe nhạc nén MP3.

Hơn cả "bốn trong một"

Do xu hướng hội tụ trong các sản phẩm kỹ thuật số, một số máy nghe nhạc nén mới trên thị trường có thêm chức năng đọc thẻ nhớ. Sau thẻ nhớ CompactFlash, hai loại thẻ nhớ Multimedia Card (MMC) và SecurityDisk (SD) đều thông dụng ở máy ảnh số, máy quay phim kỹ thuật số. Cả hai thẻ này đều được các nhà sản xuất máy nghe nhạc MP3 hỗ trợ. Các dòng máy mới đây của MPIO (Trung Quốc) hay Cenix (Hàn Quốc) hỗ trợ.

Đặc điểm chung của loại máy này là thiết bị "4 trong 1". Ngoài chức năng phát nhạc nén MP3, nó có thêm chức năng dò đài FM, ghi âm kỹ thuật số và lưu trữ di động. Hỗ trợ thẻ nhớ MP3, nó trở thành thiết bị đọc thẻ nhớ. Do vậy, người sử dụng có thể dùng nó để đọc và ghi dữ liệu.

Hình thức các loại máy khá nhỏ gọn, kiểu dáng thanh lịch. Màn hình LCD có khả năng hiển thị từ 3 - 4 dòng thông tin. Chức năng ghi âm có thể đạt tối đa 18 giờ khi bộ nhớ trống 128MB.

Với máy Cenix L905, việc đọc thẻ nhớ rất đơn giản. Bạn chỉ việc cắm thẻ nhớ và máy sẽ tự động đọc. Riêng với máy MPIO FL100, muốn đọc dữ liệu phải thông qua phần mềm quản lý MPIO Manager.

Khi ghi âm, máy Cenix cho phép người dùng lựa chọn ghi vào bộ nhớ của máy hay ghi vào thẻ. Với máy MPIO, sau khi ghi đầy bộ nhớ, máy mới bắt đầu ghi qua thẻ.

Thử nghiệm cho thấy, sử dụng máy Cenix tiện dụng hơn do không cần phần mềm hỗ trợ đọc thẻ. Tuy nhiên, chất lượng phát nhạc của máy MPIO hay hơn của Cenix.

Hỗ trợ âm thanh nổi

Các dòng máy MP3 của Samsung vừa đưa ra thị trường đều có đầy đủ 4 tính năng nêu trên. Nét riêng của các sản phẩm này là khả năng hỗ trợ âm thanh nổi SRS.

Các loại máy YP-T5H, YP-55, YP-60V đều là loại máy 4 trong 1, trong đó máy T5H thuộc loại nhỏ nhất thế giới. Kích thước nhỏ, cần điều chỉnh 4 chiều giúp người dùng lựa chọn nhanh các tính năng, YP-T5H dung lượng 128MB chứa 32 bài hát, đọc được các tin âm thanh MP3, WMA và có thể biên tập các tập tin. Công nghệ SRS WOW cho hiệu quả âm thanh vòm 3D và chất lượng radio được cải thiện. Đặc biệt, với bất cứ nội dung ghi âm hoặc bài nhạc từ CD, FM, radio, băng cassette, YP-T5H đều chuyển được thành file MP3 dễ dàng với chức năng mã hóa trực tiếp.

Với bộ nhớ tùy chọn 128 MB, 256 MB, 512 MB, màn hình LCD 2 dòng, máy nghe nhạc nén YP-55H của Samsung là loại máy nhỏ gọn. Máy có thể đọc được các định dạng MP3, WMA, WAV. Ngoài chức năng này, người dùng có thể dùng nó để bắt đài FM hay lưu trữ. Máy YP-60V thiết kế riêng dành cho dân chơi thể thao, với vỏ bọc cao su mỏng bên ngoài không thấm nước. Người sử dụng có thể đo nhịp tim, đo lượng calo tiêu thụ khi luyện tập, và cả đồng hồ bấm giờ.

Theo SGTT




 

Giải pháp nào ngăn chặn virus qua IM?

Các nhà nghiên cứu máy tính cho biết: các khách hàng IM có thể là những mục tiêu tiếp theo của virus. Chỉ cần một vài người dùng kết nối tới các mạng IM có thể gây ra sự lây nhiễm virus toàn mạng.

Khi Virus đã ''nhờn thuốc''

Soạn: AM 161994 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Theo Matthew Williamson, người đã từng chỉ đạo nghiên cứu về virus của hãng HP và hiện nay đang làm việc cho hãng bảo mật Sana đã đưa ra ý kiến thảo luận tại hội thảo quốc tế về Virus năm 2004 tại Chicago: Công nghệ chống lại virus truyền thống quá chậm chạp để ngăn chặn sự lây lan của virus bởi chúng lây lan với tốc độ rất nhanh.

Việc làm tắc nghẽn liên lạc của những người sử dụng IM có thể là một giải pháp để làm chậm lại hoặc ngăn chặn sự lây lan virus IM.

Theo một nghiên cứu của Williamson trong số 700 người dùng cho thấy, các virus bị nhiễm vào máy tính của những người sử dụng IM kết nối Internet tốc độ cao sẽ truyền sang những người dùng IM khác. Kết quả trên chứng tỏ rằng, các phương pháp truyền thống phòng chống virus, chẳng hạn như việc sử dụng phần mềm diệt virus để ''gây miễn dịch'' cho những người sử dụng IM, sẽ không có tác dụng.

Vì vậy, những nhà quản trị mạng chỉ có thể cố gắng để tìm ra một hiện tượng lạ ''kiểu như virus'' trên các mạng IM khi nó xuất hiện và hạn chế tốc độ lây lan. Công nghệ này, hãng HP gọi là ''hạn chế virus''.

Tìm công nghệ mới

Williamson nói: do một người dùng IM có thể có hơn 100 ''bạn thân IM'' - nhưng người mà họ thường liên lạc, và mỗi ngày người dùng đó có thể gửi thông điệp tới một vài người trong số những người đó. Công nghệ ''hạn chế virus'' này sẽ làm nhiệm vụ hạn chế lượng tin nhắn đã bị nhiễm mà một người dùng IM gửi đi.

Bất cứ thông điệp nào gửi tới những người sử dụng bên ngoài, sẽ tạo thành một hàng đợi và chúng sẽ có một khoảng thời gian ngắn bị ngưng lại trước khi được gửi đi. Nếu hàng đợi này có độ dài nhất định, và dịch vụ ''hạn chế virus'' này phát hiện thấy một lượng lớn thông điệp chuyển tới những người nhận không quen thuộc thì việc truyền thông tin IM đó có thể bị ngăn lại hoặc trì hoãn trong khoảng thời gian lâu hơn. Biện pháp này rất hiệu quả, bởi nó làm chậm đột ngột tốc độ lây lan của virus thông qua các mạng IM. Đồng thời lại không gây ảnh hưởng tới phần lớn những người sử dụng IM khác.

Ông Williamson nói: ''Công nghệ này đã được kiểm nghiệm với những người dùng IM của hãng HP, tuy nhiên nó vẫn chưa được thử nghiệm cho một lớp người dùng quan trọng đó là lứa tuổi ''teen''''.

  • Thanh Tú (Theo PC World)


 

"Lính gác" thư mục Lock Folder XP

Khi sử dụng máy tính, chắc chắn ai cũng có những tập tin hay thư mục cần giữ bí mật. Đặt password cho máy tính là cách bảo vệ tương đối tốt nhưng bất tiện và độ an toàn không cao. Lock Folder XP cung cấp giải pháp hợp lý và tiện dụng hơn rất nhiều.

Lock Folder XP là một công cụ bảo mật cho phép bạn “khoá” (che giấu) các tập tin, thư mục hoặc ổ đĩa với mật khẩu cá nhân. Việc “khoá” các thư mục, tập tin hay ổ đĩa cũng bảo vệ bạn một cách hiệu quả trước sự tấn công của virus, sâu máy tính hay các loại trojan. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo rằng không có một ai, dù tình cờ hay cố ý, có thể tiếp cận được các thông tin về tài chính, sức khoẻ, thông tin riêng tư hay thông tin mật của bạn.

Sau khi thực hiện “khoá”, các tập tin, thư mục hay ổ đĩa của bạn sẽ “tàng hình”, không ai có thể thấy chúng và tác động, xoá hay thay đổi nội dung thông tin. Đặc biệt Lock Folder XP còn hữu ích cho người dùng máy tính xách tay và phải di chuyển thường xuyên: nếu máy tính của bạn bị mất hoặc bị đánh cắp, sẽ không một ai có thể biết được những thông tin tài chính, tín dụng hoặc mã số tài khoản của bạn. Chương trình thậm chí còn tiếp tục bảo vệ hệ thống của bạn trong trường hợp nó đã bị xoá bỏ.

Chương trình có dung lượng 1,2 MB và thời hạn dùng thử 30 ngày, có thể tải tại đây.

T.N.


Tuesday, October 05, 2004

 

Tìm việc trên mạng

Lướt web để tìm kiếm thông tin tuyển dụng và lựa chọn một công việc thích hợp là phương cách mà nhiều bạn trẻ hiện nay ưa dùng.

Không khó lắm để tìm ra một địa chỉ tuyển dụng online. Nếu không muốn trả phí, bạn hãy vào các trang chuyên về rao vặt, mua bán linh tinh như: http://www.raovat.net/, http://www.thegioiraovat.com/, http://www.muabanraovat.com/, http://www.webmuaban.com/... Trên các website này có nhiều mục về lao động, việc làm để bạn tìm hiểu. Một số báo điện tử như VnExpress (vnexpress.net) hay website của các nhà cung cấp dịch vụ Internet như Saigon Net (http://www.jobsonline.saigonnet.vn/) cũng có mục này. Tuy tổ chức tiếp nhận và cung cấp thông tin về lao động, việc làm miễn phí nhưng có một số trang web làm việc này khá bài bản. Tiêu biểu là site có địa chỉ: http://www.tuyendung.com/. Tuy nhiên, khả năng phục vụ của các địa chỉ cung cấp thông tin về lao động, việc làm miễn phí hiện chỉ dừng lại ở mức tạo ra một nơi cho bên có nhu cầu tuyển người và bên có nhu cầu tìm việc "giao lưu" với nhau. Còn muốn "hiểu sâu, biết kỹ", các bên phải tự lo.

Những website về lao động và việc làm có thu phí hầu hết được thiết kế khá tốt, phân loại rõ ràng về ngành nghề, đối tượng, cơ sở dữ liệu dồi dào, kèm công cụ "search" nên dễ tìm thông tin. Ngoài việc cung cấp thông tin, những địa chỉ này còn hỗ trợ các kỹ năng xin việc cơ bản. Từ cách viết hồ sơ, trả lời phỏng vấn đến "mẹo" nắm những yếu tố quan trọng để "săn việc" thành công. Thậm chí, tham gia tìm việc trên các website vừa kể còn có thể... trúng thưởng. Ở http://www.vietnamworks.com/ có "giới thiệu với bạn mình về chúng tôi, bạn có thể là người may mắn trúng thưởng 100 USD". Trên http://www.kiemviec.com/ thì mỗi tuần có một thành viên may mắn trúng thưởng là điện thoại Nokia trị giá 2 triệu đồng. Hiện tại diễn đàn này lại rao thưởng giải đặc biệt là một chuyến du lịch Trung Quốc trị giá 20 triệu đồng. Một trang web xuất hiện trong tháng 9 là http://www.hrvietnam.com/ của công ty HR Việt Nam lại giới thiệu việc làm theo một hướng khác. Công ty có một đội ngũ nhân viên khoảng 300 người luôn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngắn hạn trong các lĩnh vực mua bảo hiểm, phát lương, kế toán... đồng thời cung cấp nhân sự cao cấp, nhu cầu tìm việc cho cả du học sinh ở nước ngoài... Ông Dan Allen Joslin, Giám đốc HRVietNam, cho biết hrvietnam.com còn cung cấp phần mềm quản lý nhân sự, cho phép ứng viên tự giới thiệu đăng ký trước dù chưa có nhu cầu, vì thế khi các nhà tuyển dụng cần sẽ không bị động về mặt thời gian.

Về phía nhà tuyển dụng, "săn người" trên mạng là phương thức giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Trang http://www.vietnamworks.com/ áp dụng hai mức phí. 50 USD/vị trí tuyển dụng nếu khách hàng chọn hình thức gửi thông tin về nhu cầu của mình lên website và chờ các ứng viên liên lạc để lựa chọn. 82,5 USD/việc làm nếu khách chọn hình thức mua quyền "tham quan" cơ sở dữ liệu về tất cả các ứng viên để lựa chọn mời phỏng vấn. Ở trang web kiemviec.com, phí đăng tuyển đối với nhà tuyển dụng là 49 USD/vị trí đăng tuyển/tháng và 29 USD/5 vị trí đăng tuyển/tháng đối với những nhà tuyển dụng nhiều vị trí cùng lúc. Nếu so với chi phí đăng quảng cáo tìm người trên báo thì mức thu này không cao. Công ty Kiếm việc cho biết trong vòng 3 tháng hoạt động đã có gần 25.000 hồ sơ ứng viên đăng ký và hơn 100.000 lượt truy cập, gần 3.000 doanh nghiệp, công ty đăng ký tuyển dụng với hơn 1.100 việc làm trên website của doanh nghiệp này.

Internet đưa người tuyển dụng và người cần việc dễ dàng gặp nhau. Dĩ nhiên, việc người tuyển dụng có tìm đúng được người mình cần hay người tìm việc thành công trong việc tìm chỗ làm hay không còn tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể và khả năng của ứng viên.

Thanh Niên


Monday, October 04, 2004

 

Faststone Browser: siêu công cụ 4 trong 1

Giao diện tương tác trong FSB
TTO - FSB là một siêu công cụ có giao diện 3D cực kỳ xinh đẹp, gọn nhẹ và bao gồm 4 tính năng: duyệt Web đa cửa sổ, chạy thử Web server, FTP client và chụp ảnh màn hình theo nhiều hình dáng khác nhau. Ngoài ra, nó còn tích hợp trình xem ảnh hỗ trợ tính năng kéo và thả chuột, vệ sinh máy tính và thay đổi “xiêm y” cho trình duyệt.

Ngay sau khi hoàn tất quá trình cài đặt và kích hoạt, giao diện tương tác vô cùng xinh đẹp và quyến rũ của trình duyệt này sẽ xuất hiện. Phương pháp lướt Web trong FSB là hoàn toàn tương tự như trong trình duyệt Internet Explorer.

Để xóa nhanh mọi thông tin nhạy cảm trong suốt phiên làm việc trực tuyến nhằm tránh bị kẻ xấu tọc mạch, bạn hãy truy xuất đến menu Tools, chọn mục Clear IE Records, Clear All, nhấn nút Yes rồi chọn OK để hoàn tất việc vệ sinh cho trình duyệt. Bạn cũng có thể dùng FSB để chạy thử một Web server.

Hãy nhập vào một server mong muốn trong mục Server Root rồi nhấn nút Start HTTP Server để bắt đầu khai thác tính năng độc đáo này. Nếu muốn khởi tạo một FTP Client để truyền dữ liệu giữa các máy trạm và server, bạn hãy truy xuất đến menu FTP, chọn mục Create an FTP Client, nhập vào địa chỉ hosting trong mục Host, tên và mật khẩu đăng nhập tương ứng trong các mục Username và Password rồi nhấn nút Connect để bắt đầu thực hiện việc kết nối.

Một tính năng độc đáo khác của FSB đó là cho phép người dùng chụp ảnh màn hình theo nhiều hình dạng khác nhau thông qua menu Capture.

Với dung lượng nhỏ gọn và rất lý tưởng cho việc download (chỉ 1,06 MB), tương thích trên các hệ điều hành Windows như 98/Me/NT/2000/XP/2003 Server, phiên bản miễn phí (freeware) của FSB được cung cấp tại đây.

BẢO NGUYÊN


 

Nhắn tin trúng thưởng: "làn sóng" mới đang hình thành mạnh mẽ

TT - “Chỉ cần nhắn tin với nội dung... và gửi về số 19001... các bạn sẽ có cơ hội sở hữu một chiếc điện thoại đời mới nhất” hay “hãy tham gia chương trình để trúng thưởng”...

Những câu chào mời hấp dẫn này đã khiến những người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) không thể không táy máy ngón tay. Nhưng đó cũng chỉ là một trong 1.001 dịch vụ viễn thông hiện nay mà người có ĐTDĐ có thể bị hút vào...

Dịch vụ ĐTDĐ nở rộ

Hiện nay có quá nhiều lý do khiến người sử dụng ĐTDĐ gửi một tin nhắn (dạng SMS) để đổi lấy một dịch vụ nào đó. Năm 2003 là thời điểm mà dịch vụ “giải trí bằng tin nhắn thông qua truyền hình” bắt đầu phát triển rầm rộ. Chứng minh cho điều này là khi Đài Truyền hình VN đưa vào dịch vụ giải trí với truyền hình thông qua tổng đài 1570 (kết hợp với Công ty Dịch vụ viễn thông - GPC).

Sự hợp tác, liên kết giữa dịch vụ nhắn tin và giải trí trên truyền hình đã mở ra cho những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông một hướng đi mới. Tiếp sau đó, hàng loạt chương trình giải trí được áp dụng dịch vụ này thông qua các tổng đài 19001560, 19001570...

Chứng minh cho cách làm ăn hiệu quả từ tin nhắn, những dịch vụ nhắn tin qua tổng đài +993 để nhận cách hướng dẫn đường đi, tra từ điển qua tin nhắn đến tổng đài, tải nhạc chuông, logo cho ĐTDĐ của dalink (VASC)... đang tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Đó cũng là những cách gom “bạc lẻ” của nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông.

Thú vị hơn, người sử dụng ĐTDĐ còn có thể tự cai thuốc lá hoặc giúp người thân cai thuốc thông qua dịch vụ của + 998. Một dòng tin nhắn với nội dung đại ý: “Nếu bạn muốn khuyên bạn bè, người thân bỏ thuốc lá thì bạn hãy soạn tin nhắn... và gửi tới tổng đài +998. Số máy mà bạn yêu cầu sẽ nhận được những chỉ dẫn để cai thuốc...”.

Để sử dụng dịch vụ này, người dùng chỉ tốn 3.000 đồng và sẽ được “nhắc nhở” cai thuốc từ dịch vụ của +998...

Ai trúng nhiều nhất?

Đương nhiên, “chẳng có cái gì cho không”. Một điệu nhạc chuông, logo (hình ảnh)... cũng đồng nghĩa với việc bỏ ra 2.000 đồng. Và ở góc độ khác, muốn may mắn có một chiếc ĐTDĐ (giá vài triệu đồng) thì bạn chỉ cần tốn 500 đồng, quá hấp dẫn để gửi một cái tin.

Điển hình trong một game show có tên là R của một đài truyền hình (phát ngày 19-9-2004), khán giả đã gửi tổng cộng 61.113 tin nhắn dự đoán (số của đài truyền hình công bố). Giải nhất (chỉ duy nhất một giải) của chương trình này là 5 triệu đồng nhưng số tiền thu được nhẩm tính trên 30 triệu đồng. Chương trình tất nhiên sẽ sôi động hơn, vì có thể có đến vài chục ngàn người cùng tham gia chứ không phải chỉ một vài người ngồi trên màn hình.

Đó chỉ là một ví dụ điển hình của “làn sóng nhắn tin trúng thưởng” hiện nay trên truyền hình. Để có được dịch vụ này, các công ty viễn thông (phải là nhà cung cấp dịch vụ mạng) đứng ra chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật, hạ tầng và nhà đài lo phần còn lại là nội dung chương trình, trao giải cho người chơi. Tất nhiên phần lợi nhuận sẽ chia theo tỉ lệ góp của mỗi bên. Rõ ràng đây là một cách kiếm tiền “nhất cử lưỡng tiện” khi người tổ chức vừa có thêm thu nhập vừa có thêm khán giả.

Mỗi tháng có khoảng vài chục đến vài trăm triệu tin nhắn được thực hiện đối với từng mạng viễn thông hiện nay. Theo tiết lộ của một chuyên viên trong lĩnh vực viễn thông, trung bình mỗi tháng có khoảng vài chục đến vài trăm triệu tin nhắn được thực hiện ở hai mạng di động mạnh nhất VN hiện nay là Vinaphone và MobiFone. Nhẩm tính tương ứng với số tin nhắn này là hàng trăm tỉ đồng. Đó là chưa tính đến những “nhà điện thoại” mới như S-phone, City phone TP.HCM...

Chị L., chuyên viên một công ty dịch vụ mạng viễn thông (Hà Nội), cho biết những công ty dạng này thường mua tin nhắn từ nhà cung cấp dịch vụ với giá bằng khoảng 50% giá người sử dụng phải trả. Ví dụ: khi người sử dụng thực hiện một tin nhắn bị trừ vào tài khoản 500 đồng thì nhà cung cấp sẽ được 250 đồng, số còn lại thuộc về trung gian.

Chẳng hạn khi một đài truyền hình đưa vào một chương trình nhắn tin dự đoán và trúng thưởng ở một game show nào đó, họ sẽ mua dịch vụ của nhà cung cấp với “giá sỉ” rồi “bán” lại cho khách hàng (là những người tham gia chương trình) với “giá chuẩn” hiện hành của nhà cung cấp cho tin nhắn. Khi thực hiện điều này, nhà cung cấp sẽ được lợi nhuận nhiều hơn vì sản phẩm họ bán ra nhiều.

Phía bên kia, đài truyền hình cũng được phần lợi nhuận từ việc mua đi bán lại này cộng với lượng khán giả tăng lên. Về phía khách hàng xem truyền hình và sử dụng dịch vụ tin nhắn, lợi ích lớn nhất của họ là cảm thấy mình được “tương tác” với nhà đài và biết đâu sẽ gặp may (giữa hàng trăm ngàn người).

Đương nhiên, người sử dụng có thể cho rằng một dịch vụ có giá 3.000 đồng với sáu tin nhắn hướng dẫn được gửi đến cộng với một tin nhắn đầu tiên là một mức giá phải chăng. Thật ra trong 3.000 đồng này, đơn vị làm dịch vụ chỉ phải trả cho nhà cung cấp khoảng 50-60%, số tiền còn lại đương nhiên thuộc về họ.

Theo chị L., mỗi tin nhắn được mua đi bán lại, đơn vị cung cấp dịch vụ trực tiếp có lãi khoảng 200 đồng trở lên (tất nhiên là còn trừ vào chi phí) nên chuyện gom tiền lẻ thành tiền tỉ không phải quá khó.

NAM HƯNG

Khách hàng cũng cần cảnh giác với spim - một trong những dạng tin nhắn “không mời mà đến”. Những tin nhắn này thường là các dạng khuyến mãi dịch vụ, giới thiệu sản phẩm mới hoặc lừa tiền.

Đối với những spimmer - người phát tán tin nhắn rác - chúng cũng sẽ mua dịch vụ từ nhà cung cấp với giá sỉ và tiến hành nhắn tin cho nhiều số máy. Một khi người sử dụng tò mò, nhắn tin phản hồi cho một “tổng đài” thì đồng nghĩa việc mua bán một tin nhắn đã được thực hiện.

Đó là trường hợp của anh M. (Hà Nội), vì không hiểu rõ những tin nhắn dạng spim nên đành mất tiền oan mà lợi ích không có gì (bài “Một trò lừa mới qua ĐTDĐ”).

Những trường hợp như vậy, các spimmer sẽ có được một khoản tiền lớn khi có nhiều người tham gia, và chúng biết rằng hầu hết người sử dụng điện thoại đều cảm thấy không đáng để “làm đến nơi đến chốn” với những tin nhắn thế này.


 

ACDSee PowerPack 7 - “chàng khổng lồ đã thức giấc”

TT - Anh chàng “khổng lồ” ACDSee System cuối cùng đã chịu phát hành phiên bản 7 final tiếp theo sau hàng loạt phiên bản sửa lỗi cho version 6. Xin giới thiệu một vài tính năng mới trong bộ tiện ích không thể thiếu này với phiên bản Power Pack 7:

- Xem và quản lý hình ảnh với một phong cách mới hơn; bạn có thể chuyển đổi giữa các định dạng nhiều hơn mà không trình nào có được trước đây, như MPV và hightMAT hay JPEG 2000;

- Có thể chia sẻ hình ảnh cho bạn bè dễ dàng với SendPix, hay với hệ thống chia sẻ hình ảnh của ACDSee (miễn phí), và hơn hết là hỗ trợ cả Mobile Phone;

- Tính năng mới khá hay và độc đáo là PowerPack 7 cho phép bạn so sánh chất lượng giữa hai hình ảnh và chọn ra một có chất lượng tốt nhất;

- Xử lý được nhiều hình ảnh cùng lúc với Image Well, bộ công cụ như Curves, Image Basket... giúp bạn xử lý, chỉnh sửa hình ảnh nhanh chóng; bạn cũng có thể tạo CD/DVD hình ảnh, slideshow, thumbnails cho CD, kể cả PDF và Flash, hay xử lý hình từ các thiết bị kỹ thuật số như camera digital của Canon, Nikon, Fujifilm, Olympus, Kodak, Minolta;

- Cuối cùng là thanh công cụ Context Sensitive Toolbar là người phụ tá cho công việc của bạn.

Bạn có thể tải về phiên bản trial ở đây: http://files.acdsystems.com/english/downloads/acdsite/acdseepowerpack.exe.

THANH TRỰC


 

80% Linux PC chạy Windows không có bản quyền




Theo thống kê của tập đoàn Gartner, khoảng 80% người dùng máy tính được tích hợp sẵn phần mềm nguồn mở Linux "cài đặt thêm" Windows không có bản quyền. Đây thực sự là một tin không vui cho người yêu thích hệ điều hành "chim cánh cụt".


Như vậy, theo báo cáo thống kê của Gartner, những con số khẳng định sự mở rộng của Linux ở Đông Âu, châu Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương đa phần đã được phóng đại trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Được biết, Microsoft định mức giá khoảng 80 USD/bản quyền Windows cũng khiến giá bán máy tính tăng khoảng 15% ở các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Mức giá thúc đẩy người tiêu dùng ở các quốc gia đang phát triển tìm tới Linux như là một giải pháp "cứu cánh" - đôi khi chỉ mang tính tạm thời.

"Các nhà tích hợp hệ thống đang sử dụng chiêu bài "mác Linux" để đánh lạc hướng các cơ quan thẩm định bản quyền", báo cáo của Gartner khẳng định, "Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc để tìm giải pháp cho vấn đề này".

(Theo Cnet, Techzonez, VDCmedia)


 

Trở lại Sao Mai

(VietNemNet) - Sao Mai ở đây là tên của một trung tâm của người khiếm thị. Nơi đó, dự án phát triển mạng lưới tin học từ xa cho những người sống trong bóng tối đã được hình thành và "chạy" miệt mài suốt năm qua...

Người khiếm thị học lướt Web... từ xa

Soạn: AM 158719 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Thúy Mơ không ngờ có ngày mình được "sờ" vào bàn phím máy tính.

Khi đoàn phóng viên trong và ngoài nước, trưởng dự án, đại diện Công ty Điện tử Samsung đến thăm Trung tâm (TT) nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh thì Thúy Mơ đang say sưa... lướt web. Em là một cô bé hiền lành dễ thương, chẳng may bị mù do tai nạn sét đánh hồi mới lên hai. Năm 2000, Mơ được gia đình gửi vào TT này để vừa học văn hóa vừa học nghề. Nhưng trước đây, nghề mà Mơ và các bạn khác ở đây được dạy là làm chiếu, chổi ni-lông, dệt thảm...

Rồi khi chủ Dự án - anh chàng khiếm thị tên Đặng Hoài Phúc, mới 22 tuổi đến gõ cửa nơi này, thì một cô bé tên Sương Mai được gửi lên TT Sao Mai để đào tạo làm "trợ giảng". Sau đó, cô trợ giảng này đã về lại Tây Ninh, để "vệt sáng" công nghệ thông tin (CNTT) lan đến các em khác, trong đó có Thúy Mơ.

Soạn: AM 158721 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Phóng viên nước ngoài ghi nhận những hoạt động của TT Tin học Sao Mai.

Mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi 4 giờ, các giảng viên và trợ giảng cứ cần mẫn từ "con số 0 vi tính-ngoại ngữ" với những bạn trong độ tuổi 15-20. Vậy mà đến nay, khi được dạy sử dụng các phần mềm đặc biệt dành cho người khiếm thị, Thúy Mơ cũng như các em khác có thể dễ dàng "đọc" báo VietNamNet, Tuổi Trẻ online,... Đây là điều mà cách đây một năm, cô bé không thể ngờ tới. Sau một hồi trò chuyện, cô bé xin địa chỉ email của phóng viên và nhanh nhẹn nhập vào phần mềm.

Không chỉ lướt web, các em còn học soạn thảo văn bản, học các chương trình quản lý máy tính. Trong tương lai, những em khá sẽ được học thêm những chương trình nâng cao như thiết kế trang web.

Và không chỉ có Tây Ninh, các em khiếm thị ở Bến Tre, An Giang và Đồng Nai cũng được dịp tiếp xúc với thế giới số thông qua Dự án của Phúc, được sự tài trợ của chương trình Samsung DigitAll Hope 2003 khu vực châu Á-Thái Bình dương với mức trên 40.000 USD.

Soạn: AM 158901 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Giờ học tin học tại TT nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh.

Đây là hình thức giúp người khiếm thị có thể học tin học ứng dụng tại chỗ (được nhận giáo trình, có giáo viên, máy móc, website hướng dẫn học tại chỗ). Chỉ phải đến Sao Mai để kiểm tra cuối tháng và thi lấy giấy chứng nhận kết thúc khóa học. Lần đầu tiên, loại hình này được tổ chức ở Việt Nam, khởi động từ tháng 2/2003 và nay Dự án đã bước vào giai đoạn cuối.

TT Tin học Sao Mai đã đầu tư phần mềm cũng như trang bị 16 chiếc máy tính, bốn modem, bốn bộ chuyển đổi, bốn máy in laser cùng một số trang thiết bị khác, nối mạng cho bốn trung tâm ở các tỉnh. Tài liệu được nhóm giáo viên tại TT Sao Mai biên soạn phù hợp với hình thức đào tạo: các dạng chế bản điện tử, sách chữ nổi, các hình minh họa nổi (Braille Books & Tactile Graphics) và sách nói (Talking Books). Học viên có thể gửi các câu hỏi qua thư điện tử hoặc đặt câu hỏi trực tiếp qua điện thoại với giáo viên hướng dẫn. Tuy nhiên, các vấn đề đơn giản sẽ do các trợ giảng trả lời.

Soạn: AM 158725 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

TT Sao Mai chụp hình lưu niệm với phóng viên trong và ngoài nước.

"Tụi mình sẽ tổ chức hội thảo và làm lễ bế giảng trao chứng chỉ cho 33 bạn vào cuối tháng 10 này." - Phúc vui vẻ "khoe" với chúng tôi.

Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 11/2003, chương trình truyền hình Discovery Channel đã thực hiện phóng sự về các dự án nổi bật của Samsung DigitAll Hope 2003, trong đó có dự án của Phúc

Một "ông chủ" chưa tốt nghiệp Đại học

Sau một tai nạn năm lớp 4, đôi mắt của Phúc không còn nhìn thấy gì nữa. Qua một người quen, Phúc xin vào Câu lạc bộ Bừng Sáng ở quận 10, TP.HCM, một nơi chuyên dạy trẻ khiếm thị để tiếp tục được học. Phúc bắt đầu học chữ nổi, học nhạc rồi ra ngoài học chung với các bạn sáng mắt tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Phúc tốt nghiệp Trung học năm... 16 tuổi. Đăng ký thi Đại học, chỉ mỗi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM là nhận đơn của Phúc, còn các trường khác đều từ chối. Thế nhưng khi đã đậu vào Khoa Anh rồi, con đường học tập của Phúc cũng không được suôn sẻ.

Soạn: AM 158727 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đặng Hoài Phúc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABS-CBN (Philippines)

Vì năm 1999, một người thuộc tổ chức nhân đạo của Italy đến Bừng Sáng dạy tin học với mục đích đào tạo giáo viên khiếm thị. Suốt hơn một năm học đánh máy, lập trình, sử dụng Internet và kỹ năng sư phạm, Phúc nhận thấy tin học là một thế giới mới mẻ mà người khiếm thị có thể khám phá và dạy nhau. Khi dự án kết thúc, máy móc chuyển sang tặng cho Sao Mai, Phúc cùng hai thành viên khác đến đây làm thầy. Trong quá trình dạy, Phúc thấy không phải ai cũng có cơ hội học tập trung. Thế là ý tưởng giảng dạy và học từ xa hình thành. Ý tưởng này trở thành hiện thực khi dự án của Phúc vượt qua nhiều dự án khác trong và ngoài nước để được nhận tài trợ trong chương trình Samsung DigitAll Hope 2003.

"Hết đi Thái rồi lại đi Mỹ, học hành đành phải gác lại." - Phúc kể. Vì vậy, vào trường từ năm 1999 đến nay Phúc vẫn chưa được... ra trường. Dự án này chuẩn bị kết thúc, trong đầu Phúc đã có manh nha một dự án khác: "Tạo môi trường học tập cho sinh viên khiếm thị" - một dự án đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều người. Những bạn nhỏ khiếm thị sẽ được trao cho các "chìa khóa" về tất cả các kỹ năng xã hội, tin học... để có thể vượt qua mặc cảm, trở ngại và đến trường một cách thuận lợi hơn.

Soạn: AM 158729 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phúc tại buổi lễ "Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2004".

Đó là chưa kể những việc nho nhỏ mà trước kia Phúc đã từng tham gia thực hiện như làm web, làm nhạc, đào tạo tin học cho các em nhỏ. Các kỹ năng nghiên cứu mô hình, công nghệ, phương pháp, khả năng áp dụng, lên kế hoạch xin tài trợ Phúc học ở đâu ra trong khi anh chàng này chưa tốt nghiệp Đại học? "Mình học được các kinh nghiệm này từ các dự án của nước ngoài dành cho người khiếm thị. Thế nhưng điều khó khăn nhất không phải là những thứ kể trên. Dạy không khó, khó nhất là phải thuyết phục người ta biết được lợi ích thật sự của công nghệ thông tin. Nhiều người còn cho rằng đó là điều gì đó xa xỉ." - Phúc tâm sự - "Lúc mới đầu, dự án đào tạo tin học từ xa cũng có người nói vô nói ra, mình lo lắm. Nhưng bây giờ thì an tâm rồi".

Tham gia Ban điều hành TT Sao Mai, Phúc nhận trọng trách nghiên cứu và đào tạo. Những gì Phúc tâm huyết đã được đơm hoa, kết trái. Cùng với Trần Bá Thiện - phó Giám đốc trung tâm, vừa qua Phúc đã được Tuần Tin e-Chip tôn vinh là một trong các "Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2004". "Mình tạm hài lòng với bản thân nhưng còn rất nhiều điều phải học thêm. Về kiến thức chuyên môn, tạo dựng các quan hệ và phải hiểu được cộng đồng người khiếm thị. Ngoài ra, mình cũng rất lo cho sự ổn định của TT vì hiện nay TT rất bấp bênh về kinh phí hoạt động." - Phúc tâm sự.

Soạn: AM 158731 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Phóng viên Lynette Lee Corporal: "Tôi học ở Phúc rất nhiều điều".

Trong buổi đi thăm TT Tin học Sao Mai và TT nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh, các phóng viên nước ngoài rất ấn tượng về Phúc.

Phóng viên Lynette Lee Corporal của tờ báo Philippines Star nói với VietNamNet: "Đây là một dự án rất đáng khâm phục vì nó tạo ra cho người khiếm thị một cơ hội thích nghi với sự thay đổi của thế giới. Nhất là khi công nghệ thông tin ngày càng được chú trọng. Nó cũng giúp người khiếm thị có thể sống độc lập hơn, bằng nhiều cách. Ở đất nước chúng tôi không có những chương trình như vậy dành cho họ".

Còn "người trong nhà", ông Nguyễn Khuê - giám đốc Trung tâm Sao Mai - thì nói "gọn lỏn" hai câu nhưng rất ý nghĩa: "Những người khiếm thị thường bị lãng quên trong cuộc chạy đua công nghệ thông tin của xã hội. Dự án của Đặng Hoài Phúc muốn nhắc lại cái điều "lãng quên" ấy"!

  • Vân Điển

This page is powered by Blogger. Isn't yours?