Saturday, September 04, 2004

 

Sơn Ca và Nụ Hồng Đỏ

<>Oscar Wilde
Nguyên tác: The Nightingale and the Rose

"Nàng hứa sẽ khiêu vũ với tôi nếu tôi đem đến cho nàng những cánh hồng đỏ," Mọt Sách than van; "nhưng tìm đâu ra trong khu vườn này."

Sơn Ca nghe thấy, nàng nhìn qua tàn lá cây sồi. Trầm ngâm.

"Không có cành hồng đỏ nào trong khu vườn này!" hắn đấm ngực, long lanh giọt nước mắt trên đôi mắt đẹp. "Ôi, hạnh phúc chỉ cần cái chuyện cỏn con ấy! Ta đã đọc ngàn chân kinh, ta đã thông tất cả bí mật triết lý, vậy mà chỉ vì cánh hồng bé tí xíu làm đời ta khốn khổ."

"À đây là người chân tình," Sơn Ca nhủ thầm. "Hằng đêm ta đã hát vì chàng, cho dù chẳng biết chàng là ai, hằng đêm ta kể lể chuyện đời chàng cho các vì sao trên cao, và hôm nay ta được thấy chàng. Tóc chàng thẫm cụm lan dạ hương, môi chàng thắm tựa niềm khao khát; nhưng dục vọng làm da mặt mất vẻ hồng hào, nỗi đau buồn chiếm ngự trên đôi ngài."

"Hoàng Tử sẽ tổ chức dạ hội vào đêm mai," Mọt Sách lầu bầu, "người con gái tôi yêu sẽ đi cùng tôi. Nếu tôi tìm ra được cành hồng đỏ, nàng sẽ bên tôi cho đến sáng. Có cánh hồng đỏ, tôi ôm nàng trong vòng tay đê mê, nàng sẽ tựa đầu vào vai tôi, những ngón tay mềm mại đan vào nhau. Nhưng nào có nụ hồng đỏ nào nơi đây, tôi đành phải ngồi không, và nhìn nàng đi qua. Nàng sẽ không thèm ngó ngàng đến trái tim vỡ của tôi."

"Trời ạ! Đây đúng là kẻ chân tình," Sơn Ca tự nghĩ. "Những gì ta ca tụng lại là điều đau khổ của chàng. Tình Yêu tuyệt vời lắm chứ. Đáng trân trọng ngàn lần hơn bích ngọc, và những viên hột xoàn. Hạt trai và tất cả đá quý cũng có mua được đâu, vì nó có được trưng bày rao bán ở xạp nào đâu. Chẳng thể nào mua được tình yêu nơi tay con buôn, cũng chẳng thể cân bao nhiêu tấn vàng cho vừa.


"Những tay nhạc công đại tài sẽ hiện diện," Mọt Sách than thở, "và tấu lên những cung nhịp du dương, người con gái tôi yêu cùng tôi lả lướt trong âm hưởng phong cầm và vĩ cầm. Đôi chân nàng sẽ nhẹ như tơ trên sàn nhảy, với tất cả thèm thuồng của kẻ tham dự. Nhưng nàng sẽ bỏ rơi tôi, vì tôi không có cánh hồng đỏ trao cho nàng"; hắn ngã người xuống bãi cỏ, ôm lấy mặt và khóc.

"Tại sao hắn khóc vậy ?" Mối Xanh chổng đuôi lên hỏi.

"Nguyên do từ đâu ?" Bướm phẩy đôi cánh dưới ánh mặt trời.

"Ừ nhỉ, vì sao vậy ?" Tím Dại thầm thì hỏi chị hàng xóm.

"Chàng khóc vì không có cánh Hồng Đỏ," Sơn Ca trả lời.

"Cánh hồng đỏ ?" Chúng thốt lên; "có điên không vậy!" Mối Xanh lăn ra cười.

Nhưng Sơn Ca hiểu rõ u uẩn của Mọt Sách, nàng ngồi yên lặng trên cành sồi, thả hồn vào bí ẩn của Tình Yêu.

Nàng vỗ đôi cánh nâu thẳng lên không trung. Tựa chiếc bóng, nàng vun vút bay vào Lạc Viên.

Giữa bãi cỏ là cội hồng thật duyên dáng.

"Hãy cho tôi 1 nụ hồng đỏ," Sơn Ca van lơn, "và tôi sẽ hát cho ngài nghe bài ca ngọt ngào nhất."

Nhưng Cây lắc đầu.

"Hoa của tôi lại mầu Trắng," hắn trả lời "trắng như bọt biển, trắng hơn tuyết băng đỉnh núi. Nhưng hãy đến hỏi người anh em của tôi ở cạnh Đồng Hồ, có thể người ấy cho bạn nụ hoa bạn muốn."

Và Sơn Ca bay đến cụm nọ.

"Hãy cho tôi 1 nụ hồng đỏ," Sơn Ca cầu khẩn, "và tôi sẽ hát cho ngài nghe bài ca ngọt ngào nhất."

Nhưng Cây lắc đầu.

"Hoa tôi lại mầu Vàng," hắn trả lời "vàng tựa tóc mỹ nhân ngư ngự trị trên ngai vàng, vàng hơn cả loài thủy tiên vàng nở rộ trên đồng cỏ trước khi loài người đem lưỡi liềm ghé thăm. Nhưng bạn hãy đến người anh em ở dưới cửa sổ Mọt Sách, có thể người anh em ấy cho bạn nụ hoa bạn ao ước."

Và Sơn Ca bay đến cụm nọ.

"Hãy cho tôi 1 nụ hồng đỏ," Sơn Ca cầu khẩn, "và tôi sẽ hát cho ngài nghe bài ca ngọt ngào nhất."

Nhưng Cây lắc đầu.

"Hoa tôi mầu Đỏ," hắn trả lời, "đỏ tựa đôi chân bồ câu, đỏ hơn những tàn lá san hô ẩn hiện dưới sóng. Nhưng mùa đông đã bóp nghẹt đường tĩnh mạch, sương giá cắt hết nụ, và cơn bão đã lấy đi những cành non, thế nên tôi không có gì để tặng bạn cho đến năm sau."

"Chỉ một nụ thôi," Sơn Ca năn nỉ, "chỉ một nụ thôi! Có cách nào không ?"

"Có chứ," Cây trả lời, "nhưng đau thương đến nỗi tôi không muốn nói bạn nghe."

"Nói cho tôi nghe đi," Sơn Ca reo lên, "Tôi không ngán đâu."

"Nếu bạn muốn nụ Hồng Đỏ," Cây nói, "bạn phải dùng âm tơ của Trăng, trộn lẫn máu tươi của bạn. Bạn sẽ phải hát với lồng ngực để sát cạnh gai nhọn. Hát trọn một đêm, và để gai nhọn đâm nát vào trái tim bạn, để máu nguồn chạy vào tĩnh mạch tôi biến thành máu tôi."

"Cái chết là cái giá cũng xứng đáng cho một nụ Hồng Đỏ," Sơn Ca thản nhiên trả lời, "sự sống cũng rất ư là thân mến với muôn loài. Ngồi bên rừng xanh, ngắm mặt trời vàng, cùng trăng ngọc lăn tròn qua ôi sao lộng lẫy. Hương hoa chuông và hoa chanh nở trong góc vườn ôi sao ngọt ngào. Tình Yêu mãi mãi, dù đời sống có ngừng lại, trái tim loài chim có đáng là gì so với trái tim loài người?"

Xòe rộng đôi cánh nâu bay bổng lên. Sơn Ca lượn quanh mảnh vườn như chiếc bóng, nghiêng nghiêng làm chiếc bóng qua khu rừng nhỏ.

Mọt Sách vẫn nằm thừ ra trên bãi cỏ. Trên đôi mắt đẹp vẫn chưa khô dòng nước mắt.

"Hãy vui lên," Sơn Ca reo, "sống trong hạnh phúc đi; anh sẽ có nụ Hồng Đỏ. Tôi sẽ nhuộm máu tim tôi vào tơ Trăng. Tôi chỉ xin bạn một ân huệ là bạn sẽ đẹp duyên cùng người chân tình, vì Tình Yêu sáng suốt hơn Triết Lý, vì nàng là trí tuệ, oai hùng hơn Quyền Lực, vì chàng là sức sống. Đôi cánh rực rỡ nồng nàn là hình hài Tình Yêu. Đôi môi chàng ngọt tựa mật, thơm tho hương trầm.

Mọt Sách từ bãi cỏ ngơ ngác nhìn lên, nghe ngóng, nhưng gã chẳng hiểu gì cả. Những quyển sách kia chưa bao giờ có ai đề cập đến ý tưởng vừa lọt vào tai hắn.

Nhưng Sồi thấm hiểu và xót xa, vì niềm yêu mến Sơn Ca với chiếc tổ nhỏ được kết trên ngón Sồi.

"Xin em hát cho anh nghe bài ca cuối cùng," Sồi thì thầm; "anh sẽ rất cô đơn khi vắng em."

Sơn Ca cao giọng líu lo nồng nàn men rượu tăm.

Vừa nghe Sơn Ca hát xong, Mọt Sách đứng dậy lôi trong túi ra tập giấy và cây bút.

"Nó có hình dạng," gã vừa lẩm bẩm vừa bước vào khu rừng nhỏ -- "khó mà lẫn lộn với loài chim khác; nó có tình cảm không ? Chắc là không đâu. Nó tựa như người cuồng điên trong nghệ thuật; có đủ cung cách, chỉ thiếu niềm thiết tha. Chẳng bao giờ nó sẽ hy sinh cho ai. Nó chỉ đắm đuối trong âm điệu, và ai cũng biết nó rất ích kỷ. Nhưng phải công nhận giọng ca của nó tuyệt vời. Tiếc thay điều đó chẳng mang đến lợi lộc gì, chẳng nghĩa lý gì, chẳng làm được trò trống gì!" Gã trở về phòng, nằm trên nệm và suy tư về người yêu. Hắn đi vào giấc ngủ hồi nào không hay.

Khi thấy Trăng lấp ló trong màn đêm, Sơn Ca cất cánh đến cành Hồng, ôm ghì buồng ngực vào gai nhọn. Nàng hát cả đêm từ tình ca này đến hạnh khúc kia. Sau mỗi bài, chiếc gai nhọn lại xuyên vào sâu hơn và sâu hơn vào trái tim để nguồn máu lăn lăn vào cội hoa. Ánh trăng lạnh nghiêng xuống.

Nàng hoan tụng tình đầu trong trái tim 2 đứa trẻ thơ. Ồ kia, cánh hồng dần đỏ hồng từng cánh sau từng bài hát tiếp lời ca. Sơn Ca dần lịm đi tựa vùng khói trên mặt hồ -- lịm dần đi dưới đôi chân bình minh.

Cội Hồng thét lên bảo Sơn Ca ôm ngọn gai chặt hơn nữa. "Ghì sát hơn, Sơn Ca bé bỏng, nếu bình minh đến sẽ làm hỏng đi nụ Hồng Đỏ chưa được hoàn thành."

Sơn Ca vâng lời, ôm chặt lấy ngọn gai, cùng cao giọng hơn sau từng ca khúc, vì đến lúc hoan tụng nguồn khởi đầu sữa mật đam mê trong lòng Chàng và Nàng.

Lá hồng cũng dần ửng hồng tựa như niềm e thẹn trên đôi má người trinh nữ đón nụ hôn đầu của người yêu. Gai vẫn chưa cứa vào được tâm trái tim, nên những cánh nhỏ giữa nụ vẫn là mầu trắng của trăng.

"Ghì sát hơn, Sơn Ca bé bỏng, nếu bình minh đến sẽ làm hỏng đi nụ Hồng Đỏ chưa được hoàn thành."

Sơn Ca dùng hết sức ôm chặt ngọn gai vào sâu hơn. Chợt nỗi đau vô tận xé tan hình hài nàng. Đắng, đắng sao niềm thống khổ, tiếng hát cứ cao vút lên, cao vút lên trong lời hoan tụng Tình Yêu nương vào Cái Chết đi vào Vĩnh Cửu, vì nơi Tình Yêu an nghỉ không phải là những nấm mộ hoang.

Nụ Hồng Đỏ thẫm nét đẹp áng sáng bình minh. Giữa tâm hoa rực rỡ trong vắt viên hồng ngọc.

Giọng Sơn Ca yếu dần, đôi cánh giật giật, đôi mắt là làn nước long lanh. Bài ca dần nhỏ đi sau từng tiếng nấc.

Gom hết tàn hơi, Sơn Ca phát lên âm giai lạ. Trăng nghe thấy, chẳng màng ánh bình minh nghiêng xuống lắng nghe. Nụ Hồng Đỏ nghe thấy, rùng mình lên trong ngây ngất, mở từng cánh trong bầu trời lạnh giá. Âm giai vọng xa đến từng hang hốc ngọn núi kia, đánh thức những gã chăn cừu đang say sưa giấc mộng. Nó loang vào giòng sông, tan vào biển rộng.

"Nhìn kìa! Nhìn kìa!" Cội Hồng reo lên, "nụ Hồng Đỏ đã được hoàn thành"; nhưng Sơn Ca nằm im lìm chẳng trả lời. Giữa trái tim còn lồi lên một cành gai rất nhọn.

Giữa trưa, Mọt Sách thức giấc, ra mở cửa sổ nhìn ra.

"Ô! trúng số rồi!" hắn la toáng lên; "đây là lô độc đắc! Ta chưa bao giờ nhìn thấy nụ hoa nào đẹp như vầy trong suốt cuộc đời ta. Đẹp quá! Chắc là phải có danh tự trong quyển tự điển cổ xưa"; hắn nhoài ra cắt.

Nắm chặt trong tay, hắn vội vàng chạy đến nhà nàng.

"Em hứa là sẽ trong vòng tay anh nếu anh đem đến em nụ Hồng Đỏ," Mọt Sách cuồng dại. "Đây là nụ Hồng đỏ nhất em có thể có trong cõi nhân gian này. Em đính lên áo cạnh tim em, và khi chúng ta luân vũ, nụ hoa này sẽ nói lên tình yêu anh dành trọn vẹn cho em."

Nàng xịu mặt xuống.

"Em sợ là nó không hợp với áo dạ hội của em," nàng trả lời; "vả lại, chiều hôm qua cháu trai bá tước đã trao tặng em những vòng vàng châu báu, ai ai cũng trân trọng hơn là những nụ hoa."

"Dựa trên lời em nói, em là kẻ vô ơn," Mọt Sách gầm gừ; hắn vứt cánh hoa xuống đất, rơi vào rãnh nước. Chiếc xe bò vô tình lăn bánh lên.

"Vô ơn!" nàng lớn tiếng. "Để tôi nói cho anh nghe, anh là kẻ tồi bại; còn nữa, anh là cái thá gì ? Chỉ là con Mọt Sách. Cả đến một đồng anh chưa chắc đã có nữa là!"; nói xong, cô nàng nguây nguẩy vào nhà sập cửa lại.

"Tình Yêu sao lại điên rồ thế nhỉ," Mọt Sách vừa đi vừa lẩm bẩm. "Trị giá của nó chỉ đáng nửa so với Luận Lý, vì nó chẳng minh chứng được điều gì, chỉ láo lếu phỏng đoán những điều chưa chắc đã thành sự thật, làm mù quáng đôi mắt con người. Hão huyền, thời buổi này thực tế là tất cả. Trở lại thế giới Triết Học và Thần Học là phải đạo nhất."

Và ... hắn trở lại phòng riêng, phủi bụi một quyển kinh lấy ra từ trên kệ, ngồi xuống chìm đắm trong dòng chữ.

 

Iris - Huệ tím

<>Hermann Hesse
Bản dịch của Thái Kim Lan

H. Hesse sinh ngày 2.7.1887 tại Calw/Wuerttemberg. Sau khi theo học nhiều năm ở trường Cổ ngữ ở Goeppingen ông tham giakhóa giảng về thần học tin lành vào năm 1891 ở tu viện MAULBRONN và muốn trở thành nhà thần học. Nhưng đến năm 1892ông rời bỏ tu viện và làm nhiều nghề khác nhau. Trong lúc hànhnghề bán sách và sưu tầm Cổ thư ông đã tìm kiếm rất nhiều tài liệu căn bản cho công cuộc sáng tác văn chương của ông. Từ năm1912, ông dừng lại Thụy Sĩ. năm 1919, cư ngụ thực thụ ởMONTAGOLA cạnh hồ LUGAN và mất năm 1962.

Tác phẩm của ông: Peter Camenzind (1904), Steppenwolf (1927),NarziB und Goldmund (1930, nhà xuất bản Fisher 450),Shiddharta (1922), Das Glasperlenspiel (1943, nhà xuất bản Fischer 842). Năm 1946, Hesse được giải thưởng Nobel về vănhọc và giải thưởng Goethe của Thành phố Frankfurt. Năm 1955, Ông được hội các nhà sách tại Đức trao tặng giải thưởng hòa bình.

Iris là một trong những truyện cổ tích viết theo lối mới của H.Hesse, xuất bản lần đầu tiên năm 1946 tại Thụy Sĩ trong tập truyện cổ tích mang tên "Maerchen".


Trong mùa xuân của thời thơ dại Anselm thường thơ thẩn chạy khắp khu vườn xanh lá cây. Cậu bé yêu đặc biệt một loài hoa trong các hoa của mẹ : Hoa Huệ Kiếm (1). Cậu thường áp má mình vào những chiếc lá dài màu xanh của hoa, tẩn mẩn ấn những ngón tay vào đầu ngọn lá nhọn, hoặc vừa ngửi, vừa hít nụ hoa lớn đẹp huyền diệu kia và nhìn lâu, rất lâu, vào tận trong đóa hoa. - đó vươn lên từ cái nền hoa màu xanh tím nhạt những ngón tay màu vàng xếp thành hàng dài, giữa những búp măng vàng ấy hun hút một ngõ sáng đi sâu vào đài hoa, và sâu hơn nữa vào tận trong cái bí nhiệm xa xôi có màu xanh da trời của nụ hoa ấy. Cậu bé yêu say mê nụ hoa, thường trố mắt nhìn rất lâu vào trong hoa để thấy những thành phần màu vàng thanh tao ấy khi thì giống như một hàng rào bằng vàng ở vườn thượng uyển, khi thì giống như một lối đi thông thường có hai hàng cây mơ mộng đẹp đẽ viền quanh - những hàng cây huyền ảo không bị gió lay động và ở giữa chúng, có con đường đầy bí ẩn sáng
sủa và được viền đắp bằng những đường gân mờ nhạt mềm mại và linh động chạy dài vào trong nội tâm của hoa. Vòm hoa tỏa rộng một cách dị kỳ, lùi vào bên trong, con đường giữa hai hàng cây bằng vàng mất hút vô tận trong yết hầu không tưởng tượng ra được của hoa, trên con đường ấy những vòm tím nhạt uốn mình xuống một cách đế vương và chiếu những bóng đen mỏng manh kỳ ảo trên một sự mầu nhiệm yên lặng và đợi chờ . Anselm biết đây là miệng hoa, biết là tim và ý nghĩ của hoa cư ngụ sau những điểm vàng lộng lẫy trong chốn yết hầu xanh thẫm ấy, biết là hơi thở và những giấc mơ của hoa thoát ra và đi vào trên con đường vân xinh xắn, sáng sủa và trong suốt ấy.

Bên cạnh đóa hoa lớn còn có những búp hoa nhỏ hơn còn chưa hé nở, đứng trên những cuống hoa mọnh nước chắc cứng trong một cái đài nhỏ có da màu xanh nâu, từ đó búp hoa non nớt chổi lên yên lặng và kín đáo nhưng đầy sức lực, được bọc kín trong màu xanh sáng và màu tím nhạt, ở đằng đầu đã ló ra màu tím thẫm trẻ măng được cuốn tròn chắc nịch và dịu dàng với một chút mũi nhọn xinh xắn của hoa. Ngay cả trên những lá búp non quấn chặt này cũng đủ có những đường gân và trăm ngàn đường nét nhìn để ngắm rồi.

Mỗi buổi sáng khi cậu bé trở lại vườn từ căn nhà, từ giấc ngủ, từ cơn mơ, từ những thế giới xa lạ ở trong cơn mơ ngủ, khu vườn vẫn đứng đó không mất, luôn luôn mới y nguyên và chờ đợi cậu. Rồi ở nơi mà hôm qua cái mũi búp hoa cứng nhọn màu xanh lơ cuốn tròn trong vỏ xanh còn đứng bất động, nơi đó bây giờ đã lững lờ một cánh non mỏng và xanh như khí trời, như một cái lưỡi và như một cái môi, đang sờ soạn tìm kiếm hình dáng và nét cong mà cánh hoa đã mơ ước từ lâu, và ở nơi tận cùng nhất, nơi mà nụ hoa còn đang âm thầm tranh đấu để thoát ra khỏi bức màn lá xanh quấn quanh mình, nơi đấy người ta đã thấy lờ mờ những cánh mỏng thanh tao màu vàng, con đường đầy gân sáng rỡ và vực thẳm linh hồn xa xăm đầy hương thơm của nụ hoa rồi. Có lẽ vào trưa, có lẽ xế chiều, hoa hé nở, căng tấm màn lụa xanh trên khu rừng mơ mộng bằng vàng và những giấc mơ đầu tiên, những ý nghĩ và lời ca xuất hiện thầm lặng từ hố thẳm đầy ảo thuật kia để bắt đầu hút thở khí trời.

Rồi có một ngày, và ngày hôm ấy đầy cả hoa hình chuông màu xanh đứng chụm nhau trong cỏ. Rồi lại có một ngày, và ngày hôm ấy bỗng nhiên âm vang tiếng lạ và hương thơm mới ở trong vườn, trên đám cỏ đượm thắm mặt trời phất phơ những đóa trà mi mềm mại và đỏ thắm. Rồi lại có một ngày, và ngày hôm ấy không còn đóa hoa Huệ nào ở trong vườn nữa. Chúng đã ra đi, không còn con đường nhỏ viền vàng nào nữa dẫn dắt một cách dịu dàng vào những bí mật thơm ngát. Những ngọn lá cứng ngắt đứng trơ xa lạ và lạnh lùng. Nhưng may sao đâu đó ở các bụi cây bắt đầu chín mọng và từng đàn bươm bướm mới dập dìu đùa cợt trên những ngôi sao. Những con bướm nâu đỏ có lưng óng ánh xà cừ,
những con bướm nắc nẻ nhộn nhịp ồn ào đập những cánh trong như thủy tinh.

Anselm nói chuyện với bướm, với những viên sỏi trong vườn, đánh bạn với bọ rầy và chim sáo. Những con chim kể cho cậu nghe chuyện loài chim, các cây dương xỉ chỉ cho cậu một cách kín đáo hạt giống nâu đã được góp lại ở dưới mái những ngọn lá khổng lồ, những mảnh chai xanh thủy tinh hứng lấy cho cậu tia sáng mặt trời và trở thành lâu đài, vườn thượng uyển và các kho tàng chói lọi. Khi hoa Huệ tàn rồi thì hoa Kapuziner (2) lại nở, khi đóa trà mi héo hắt thì những chùm dâu sặc sỡ đã đượm màu nâu. Tất cả đều đổi thay, tất cả luôn luôn ở đó, và luôn luôn lìa xa, biến mất rồi khoảnh khắc lại trở
về. Ngay cả những ngày hãi hùng bất thường, khi ngọn gió lạnh lùng rít ầm ĩ trong ngọn cây thông và đám lá úa đùa xào xạc một cách tái tê và tàn lụi khắp nơi trong khu vườn, những ngày ấy vẫn còn mang đến cho cậu một bài ca, một nhịp sống, một câu chuyện cho đến khi tất cả đều sụp xuống, tuyết rơi trước cửa sổ và khu rừng dừa mọc lên nơi cửa kính, khi các thiên thần bay cùng với tiếng chuông bạc suốt cả buổi chiều và hành lang cùng nền nhà thơm ngát mùi trái cây phơi khô. Không bao giờ tình bạn hữu và niềm tin cẩn lại phụt tắt ở trong thế giới tốt lành này, và khi có lần như một ngẫu nhiên
những chùm hoa tuyết lại xuất hiện sáng rỡ bên cạnh đám lá trường xuân đằng (Efeu) đen sì, khi những chú chim đầu tiên bay vút lên khoảng cao xanh mới mẻ, thì tuồng như mọi vật vẫn luôn luôn còn đó, đứng đó tự bao giờ. Cho đến một hôm, một búp non màu tím nhạt lấp ló từ những chồi ngọc của hoa Huệ tím nhìn ra, không chờ không đợi mà vẫn luôn luôn đúng hẹn và đúng như đã ước mơ.

Tất cả đều đẹp đẽ và Anselm mừng đón tất cả đầy thân thiết, tin cẩn, nhưng giây phút lớn lao nhất của phép mầu nhiệm và ân huệ mỗi năm đối với cậu bé vẫn là đóa Huệ kiếm đầu tiên. Chính ở trong đài hoa ấy một lần nào đó, trong giấc mơ trẻ thơ xa xưa nhất, lần đầu tiên trong đời cậu đã đọc được
trong quyển sách của phép nhiệm mầu - hương thơm và màu xanh rung rinh muôn vẻ của hoa đối với cậu đã là lời mời gọi và chìa khóa của Sáng Tạo. Và như thế hoa huệ tím cùng với cậu đã đi qua những năm dài trong trắng ngây thơ, cứ mỗi mùa hè mới, hoa không những mới nguyên mà lại càng tăng vẻ bí mật và dễ cảm hơn. Những hoa khác cũng có miệng, cũng gửi hương và ý tưởng cho gió
chuyền đi, cũng quyến rũ ong và bọ rầy vào trong phòng the nhỏ bé ngọt ngào của chúng. Nhưng đối với cậu bé, đóa huệ tím vẫn đáng yêu hơn và quan trọng hơn tất cả các thứ hoa khác nhiều. Với cậu, hoa là biểu tượng, là tấm gương cho tất cả những gì đáng được suy ngẫm, cho những gì tuyệt vời tuyệt tác. Khi cậu cúi nhìn vào đài hoa, theo dõi say sưa bằng ý tưởng, con đường nhỏ mơ mộng trong sáng kia và gặp gỡ lòng hoa còn u minh giữa những khóm cây màu vàng kỳ ảo, tâm hồn cậu đã nhìn chơi vào chốn "nhập môn", nơi mà mọi xuất hiện đều trở thành bí nhiệm và mọi sự "Thấy" đều trở nên linh cảm. Lắm đêm cậu bé đã mơ nhiều lần về cái đài hoa đó, mơ thấy đài hoa mở rộng vô cùng ở trước mình như đôi cánh cửa của thiên đường, mơ thấy mình cưỡi ngựa hay ngồi trên thiên nga bay vào trong đó và cả thế giới cũng theo cậu ta nhẹ nhàng phi, bay trượt như bị thu hút bằng ảo thuật vào trong yết hầu mỹ miều của hoa, vào sâu và chuồi xuống dưới, ở đó mọi sự chờ đợi đều được đền đáp và mọi linh cảm đều trở thành chân lý.

Mỗi sự xuất hiện ở trên địa cầu là một biểu tượng và mỗi biểu tượng là một cánh cửa mở ngõ cho linh hồn sẵn sàng đi vào nội tâm của thế giới, nơi mà tha nhân cùng với tôi vĩnh viễn là một. Mỗi người trong đời mình đều đã gặp gỡ đâu đây trên đường đi cánh cửa mở ngỏ đó, mỗi người đã có một lúc nào
đấy bắt chợp được ý nghĩ rằng tất cả những điều mắt thấy tai nghe đều là biểu tượng, sau biểu tượng này hiển hiện cõi tâm linh và đời sống vĩng cửu. Nhưng ít người đã đi qua cánh cửa mở đó và chịu đánh đổi vẻ đẹp bên ngoài để lấy cái thực chất nội tâm còn lờ mờ trong tâm khảm.

Đối với cậu bé Anselm thì đóa hoa tím xanh lơ kia xuất hiện như một câu hỏi câm nín và thao thức mà tâm hồn cậu mơ hồ sục soạn trong nguồn suối trực giác một câu giải đáp thích ứng. Nhưng rồi nét muôn màu muôn vẻ đáng yêu của vạn vật lại lôi kéo cậu đi nơi khác, vào những cuộc tỉtê hay đùa giỡn
với cỏ và đá sỏi, với cỏ dại bụi cây, với côn trùng và với tất cả tình bằng hữu của thế giới bé nhỏ của cậu, lắm khi cậu đắm mình ngắm nghía, quan sát chính bản thân mình, giao trọn tâm tư vào những điều khác lạ của thân thể, nhắm mắt nghe những cảm xúc kỳ lạ, những kích thích và tưởng tượng trong cổ
và mồm mỗi khi nuốt, hoặc khi hát hay thở, cảm thông được ngay cả con đường và lối vào, nơi mà linh hồn thông thường với linh hồn. Cậu quan sát một cách ngạc nhiên những hình màu đầy ý nghĩa thường xuất hiện trong bóng tối đỏ bầm khi cậu nhắm nghiền đôi mắt lại, những dấu vết và các vòng bán
nguyệt màu xanh lơ hoặc đỏ thẫm có những đường nét sáng trong chen vào giữa. Đôi khi Anselm lại cảm nhận với nỗi xúc động vừa vui vừa kinh hãi sự liên hệ muôn vẻ giữa thị giác và thính quan, giữa khứu giác và vị giác và cảm nghe trong một khoảnh khắc đẹp ngắn ngủi thanh âm, lời và các vần chữ
thân thuộc với nhau và đồng loại với màu đỏ và xanh, với cứng và mềm, hoặc cậu ta kinh ngạc khi ngửi một ngọn rau hay một rễ cây xanh được bóc ra, hương và vị sao mà gần gũi nhau lạ thường đến thế, lắm lúc chúng lại tan hòa vào nhau và trở thành duy nhất một cách kỳ diệu.

Tất cả mọi trẻ thơ đều cảm thấy như vậy dù cho cường độ nhạy cảm khác biệt nhau. - rất nhiều trẻ thơ, những lắng nghe, những khám phá đó thường biến mất đi như chẳng bao giờ hiện hữu, trước khi đứa trẻ có thể đọc được những vần chữ đầu tiên. Nơi những trẻ thơ khác vẻ bí nhiệm của tuổi thơ vẫn còn
lẩn quẩn rất gần và chúng vẫn còn mang theo dư âm của nó cho đến lúc tóc nhuộm màu sương và trong những ngày muộn màng mệt mỏi của cuộc đời. Tất cả mọi trẻ thơ, bao lâu chúng còn ở trong sự bí mật của cuộc sống, đều bận tâm với một điều quan trọng duy nhất : với chính mình và với mọi tương quan đầy bí ẩn giữa con người mình và thế giới bao quanh. Kẻ đi tìm và nhà hiền triết thường quay về những mối bận tâm này sau những năm chín mùi suy tư, còn phần đông thì quên lãng và rời bỏ rất sớm thế giới nội tâm của điều trọng đại thật sự kia vĩnh viễn để suốt đời lang thang trong những sai lầm hỗn tạp đầy những lo âu, ước muốn và mục đích, trong đó không có cái gì hiện hữu trong nội tâm sâu kín của họ, trong đó không có cái gì có thể dẫn dắt họ tìm đến cõi lòng sâu xa nhất và trở lại quê nhà được.

Như thế những mùa hè và mùa thu trẻ dại của Anselm cứ đến dịu dàng và đi nhẹ nhàng, cứ thế luân lưu hoa tuyết chuông, hoa tím, hoa hoàng thập(3), hoa huệ, hoa hồng, hoa xanh thẩm nở rồi tàn, rồi lại nở, vẫn đẹp đẽ và phong phú như tự bao giờ. Anselm sống với hoa, chim và hoa tâm sự với cậu, cây và suối lắng nghe cậu, và cậu thường đem những vần chữ tập viết đầu tiên, những âu lo bằng hữu đầu tiên giải tỏ với khu vườn, với mẹ, với những viên đá sặc sỡ ở bồn hoa.

Nhưng có một lần mùa xuân đến nhưng mùa xuân lại không rộn rã và đượm mùi như tất cả mùa xuân trước đây, chim sáo cũng hót véo von nhưng lời ca không phải là là bài hát cũ, hoa huệ tím cũng nở nhưng không còn những giấc mơ, những hình dáng thần thoại, ẩn hiện vào ra trên con đường viền vàng của đài hoa nữa. Những trái dâu đỏ vẫn tươi cười núp sau đám lá xanh và bươm bướm vẫn bay rộn ràng lấp lánh trên những giàn hoa cao, nhưng tất cả không còn như trước nữa và cậu bé bận tâm với những chuyện khác, ngay với mẹ cậu ta cũng đã nhiều lần gây gổ rồi. Chính cậu cũng không hiểu duyên cớ tại sao có điều gì làm cậu đau đớn trong lòng, tại sao có một điều gì đấy luôn luôn quấy rầy cậu. Chỉ biết là thế giới đã đổi thay, tình bằng hữu từ trước đến nay đã rời rụng và để lại cậu trờ trọi một mình.

Và như thế một năm trôi qua, rồi một năm nữa, Anselm không còn là một chú bé con, những viên sỏi sặc sỡ ở bồn hoa trở nên buồn nản, những đóa hoa đã như thành câm và những con bọ rầy bị cậu lấy kim xâu bỏ vào hộp đồ chơi : linh hồn cậu đang bước vào con đường vòng dài và chông gai. Những cố tri đã bị chà đạp và héo hắt đi rồi.

Chàng trẻ tuổi vội vã lăn xả vào đời, cuộc đời như mới bắt đầu từ đây. Đã qua rồi và chìm trong quên lãng là cái thế giới biểu tượng ngày xưa, những ước mơ mới mẻ và những con đường mới lạ quyến rũ cậu đi xa. Có chăng là một chút măng trẻ còn thoang thoảng như một hương thơm trong tia nhìn xanh và
phất phơ trong mớ tóc mềm mại của chàng, nhưng chàng không thích điều đó nhất là khi được nhắc nhở đến. Chàng cắt tóc ngắn đi và sửa tia nhìn cho có vẻ bạo tợn và sành sỏi hơn lên. Chàng gây vũ bão trong những năm đầy chờ đợi và lo âu. Khi là một người học trò và bạn tốt, khi thì trơ trọi và rụt rè, khi thì vùi đầu trong vở đến khuya, khi thì điên cuồng ồn ào trong những quán rượu. Chàng phải rời quê nhà và chỉ gặp lại quê cũ trong những lần hiếm hoi về thăm nhà ngắn ngủi, về nhà với mẹ, chàng bây giờ là một chàng trai đã đổi thay, trưởng thành, ăn diện thanh lịch. Chàng thường mang theo bạn bè, mang theo sách vở, luôn luôn những thứ khác lạ và khi chàng đi qua khu vườn cũ, khu vườn thu lại bé nhỏ và bặt tiếng trước tia nhìn lơ đãng của chàng. Không bao giờ nữa chàng nhìn thấy những câu chuyện ở những đường gân sặc sỡ của các viên sỏi và lá cây. Không bao giờ nữa chàng nhìn ra thượng đế và vĩnh cửu cư ngụ nơi vẻ bí mật của đóa hoa huệ tím.

Anselm đã là học trò và sinh viên, chàng trở về quê với mũ đỏ rồi mũ xanh, với một vành râu mép lơ thơ và rồi với một bộ râu. Chàng mang sách ngoại ngữ về và có lần một con chó và trong cặp da treo ở ngực chàng, khi thì đầy nắp những bài thơ mới viết, khi thì mấy tờ giấy chép những danh ngôn xưa,
khi thì những tranh họa và thư từ của những cô gái đẹp. Chàng trở về quê sau một thời gian sống ở ngoại quốc và lênh đếnh trên một chiếc tàu lớn ở biển cả. Chàng trở về và trở thành một học giả trẻ, mang mũ đen và bao tay màu sẫm, những người láng giềng cũ ngả mũ khi gặp chàng và gọi chàng "Ông Giáo Sư" dù chàng chưa phải là giáo sư. Chàng trở về và mặc áo tang, đi lặng lẽ nghiêm trang sau chiếc xe tang nơi mẹ già chàng yên ngủ trong chiếc quan tài kết hoa. Và từ đó chàng trở về càng hiếm hoi hơn.

Bấy giờ Anselm sống ở đô thị, dạy sinh viên và được xem là một học giả nổi tiếng. Chàng sống cũng giống mọi người trên thế gian, cũng đi, cũng dạo chơi, cũng ngồi, cũng đứng, trong y phục trang nhã, nghiêm nghị hay thân mật với đôi mắt nhanh nhẹn và đôi khi hơi mệt mỏi : Chàng đã là một nhân
vật và một nhà nghiên cứu, đúng như chàng đã mong muốn. Lúc bấy giờ tình trạng của chàng tương tự như những năm cuối của thời trẻ thơ. Chàng bỗng thấy những năm trôi nhanh sau lưng mình và chàng vẫn đứng trơ trọi kỳ cục và không thỏa mãn ở thế gian, cái thế gian mà chàng đã luôn luôn mải mê
theo đuổi. Chàng nhận thấy làm giáo sư cũng không phải là hạnh phúc thật sự, được dân chúng, sinh viên chào đón kính trọng cũng không phải là một hứng thú sung mãn. Tất cả điều đó đều tàn úa và biến thành cát bụi, hạnh phúc thì thấy xa vời ở trong tương lai và con đường đi đến đó xem ra nóng
nực, bụi bậm và tầm thường.

Trong khoảng thời gian này, Anselm thường hay đến chơi nhà một người bạn có cô em thu hút chàng. Bây giờ chàng không chạy theo dễ dàng một khuôn mặt đẹp nữa, điều đó cũng đã đổi khác, chàng cảm thấy rằng hạnh phúc phải đến với chàng một cách đặc biệt hơn và không thể nằm ở sau mỗi cánh cửa được. Chàng rất thích cô em gái bạn và đôi khi chàng tưởng yêu nàng thật tình. Nhưng nàng là một cô gái đặc biệt, mỗi bước đi, mỗi lời nói của nàng đều được tô điểm một vẻ riêng và không phải luôn luôn dễ dàng để đến với nàng cũng như để bắt đúng nhịp với nàng. Anselm thường cãi vã với chính mình về cô bạn gái, mỗi chiều lúc chàng đi đi lại lại một mình trong căn nhà cô đơn và nghiền ngẫm nghe tiếng bước chân của mình vang trong phòng, lòng ngổn ngang những ý nghĩ - nàng lớn tuổi hơn chàng để làm vợ như chàng muốn. Nàng rất kỳ cục và chắc sẽ rất khó khăn nếu cùng một lúc sống với nàng đồng thời lại muốn theo đuổi tham vọng của mình bởi vì nàng không bao giờ muốn nghe nói đến chữ tham vọng. Nàng không khỏe mạnh lắm và không thể chịu đựng khách khứa, tiệc tùng. Nàng thích nhất sống với hoa, âm nhạc, với một quyển sách bên mình trong sự yên tĩnh cô đơn, trong sự chờ đợi xem ai có đến với nàng không và để mặc thế giới trôi xuôi. Đôi khi nàng rất mỏng manh và dễ cảm đến nỗi những gì xa lạ đều làm cho nàng đau đớn và dễ khóc. Rồi sau đó nàng lại rực rỡ một cách trầm tĩnh và thanh thoát trong một thứ hạnh phúc riêng lẻ và những ai thấy điều đó đều cảm thấy rằng thật là khó để trao tặng cho người đàn bà đẹp hiếm có này một điều gì cũng như để có một ý nghĩa nào đó đối với nàng. Anselm thường tin rằng nàng yêu chàng, đôi khi chàng thấy là tuồng như nàng chẳng yêu ai mà chỉ dịu dàng và thân mật với tất cả và không theo dõi một thứ gì ở thế gian ngoài sự được yên tĩnh. Còn chàng, thì lại muốn đòi hỏi ở đời sống một thứ khác nữa và nếu như chàng lấy vợ thì đời sống và tiếng rộn rã, sự hiếu khách phải có ở trong nhà mới được.

Một lần chàng nói với nàng : "Iris, Iris thân yêu, nếu thế giới được an bài khác đi, nếu không có gì khác ngoài thế giới đẹp đẽ và dịu dàng với hoa, tư tưởng và âm nhạc của em, thì tôi sẽ không ao ước gì hơn là được sống suốt đời bên em, nghe em kể chuyện và sống cùng em trong tư tưởng. Riêng tên của em thôi cũng đủ làm cho tôi dễ chịu, Iris là một tên tuyệt diệu, tôi không biết là tên đó nhắc nhở cho tôi một điều gì."

Iris đáp : "Anh biết là hoa huệ tím và vàng mang tên Iris chứ ?"

"Vâng, chàng kêu lên trong cảm giác lo sợ, tôi biết chứ và điều đó cũng đã đẹp rồi. Nhưng mỗi khi tôi nói tên em thì tuồng như tên em muốn nhắc cho tôi một điều, tôi không biết là điều gì, hình như nó gắn liền với kỷ niệm sâu xa và trọng đại đối với tôi, nhưng tôi không biết và không tìm ra được điều đó là gì."

Iris mỉm cười với chàng trai, trong lúc chàng ta đứng trơ ra đó và lấy tay chùi trán.

"Mỗi lần em đều cảm thấy như thế, nàng nói bằng giọng nhẹ như chim, khi em ngửi một bông hoa. Mỗi lần tim em đều cho rằng gắn liền với hương thơm kia đã luôn luôn có một kỷ vật để nhớ đến, một cái gì đẹp và quý báu tuyệt trần, kỷ vật đó trước đây là của em và bị đánh mất đi. Với âm nhạc và đôi
khi với thơ văn cũng thế, ở đó đột nhiên lóe sáng một vật gì trong chớp mắt, ví như người ta thấy lại được quê hương đã mất bỗng nhiên hiện ra trong thung lũng dưới chân mình và rồi giây phút đó biến mất đi và bị quên lãng. Anselm thân mến ! Em tin rằng chúng ta hiện hữu ở trên quả đất này có ý nghĩa ấy cho sự hồi tưởng, tìm kiếm và lắng nghe những hình dáng màu sắc âm thanh đã mất, và quê hương thật sự của chúng ta chính là ở đàng sau đó".

"Em nói hay quá ! Anselm nói mơn và cảm thấy trong lồng ngực nhói lên một rung động gần như đau đớn, tuồng như có một cây kim chỉ nam dấu kín bật chỉ một cách nhất định vào mục tiêu xa xăm nào đó của chàng. Mục tiêu này hoàn toàn khác với mục tiêu mà chàng nhắm cho đời chàng và điều đó làm đau. Chàng tự hỏi mình có nên phung phí cả cuộc đời trong những giấc mộng với những chuyện thần thoại đẹp đẽ kia không.

Bẵng đi một dạo bỗng có một hôm Anselm trở về từ một cuộc viễn du cô đơn, thấy gian phòng trống trải chào đón mình một cách lạnh lẽo và ngột ngạt, chàng liền đi đến thăm bạn và nghĩ sẽ cầu nàng Iris xinh đẹp làm vợ.

Chàng nói với nàng : "Iris ơi ! Tôi không muốn tiếp tục sống như thế này nữa. Em luôn là người bạn tốt với tôi, tôi phải nói với em tất cả. Tôi phải có vợ, nếu không thì cuộc sống sẽ trống rỗng và vô nghĩa và tôi có thể ao ước một người vợ nào khác hơn là em, đóa hoa yêu quý ? Em có bằng lòng không hở Iris ? Em sẽ có các thứ hoa nhiều như có thể tìm được trên thế gian, em sẽ có một khu vườn đẹp nhất thế gian. Em có muốn đến với tôi không ?"

Iris nhìn rất lâu và yên lặng vào mắt chàng, nàng không mỉm cười và không đỏ mặt, rồi trả lời bằng một giọng chắc chắn :

"Anselm à, em không ngạc nhiên về câu hỏi của anh, em yêu anh dù không bao giờ nghĩ là em sẽ trở thành vợ anh. Nhưng mà xem đây, người bạn của em, em sẽ có những đòi hỏi to lớn cho kẻ nào muốn lấy em làm vợ. Em sẽ có những đòi hỏi lớn hơn những người đàn bà khác. Anh đã muốn hiến dâng cho em nhiều hoa và có ý tốt với em. Nhưng em có thể sống không có hoa và không có âm nhạc, em có thể làm điều đó và nhịn nhiều thứ khác nếu cần phải như thế. Chỉ có một điều em không thể và không muốn thiếu đi : đấy là em không thể sống một ngày mà âm nhạc trong con tim của em không phải là điều chính yếu. Nếu em sống với một người chồng thì người đó phải là kẻ có âm nhạc trong nội tâm hòa hợp tốt đẹp và thanh thoát với tiết tấu âm thanh của em, và hơn nữa âm nhạc của người ấy phải là ước muốn duy nhất của đời chàng. Anh có thể làm được như vậy không hỡi bạn của em ? Có lẽ rồi anh sẽ không được nổi tiếng và có danh vọng nữa, nhà của anh sẽ yên tĩnh và các nếp nhăn ở trên trán anh mà em đã thấy từ bao năm qua phải được rửa trôi đi. Ồ Anselm ơi ! Không được đâu. Hãy xem, con người anh vẫn như thế, vẫn là người cứ phải học cho đến khi những nếp nhăn ở trán cày sâu thêm, vẫn là người luôn luôn tạo ra những lo âu mới, còn em, và những gì tâm tư hiện hữu của em, những cái ấy anh có yêu thích đấy và thấy nó hay hay đấy, nhưng đối với anh và nhiều người khác thì chúng cũng chỉ là một trò chơi thanh nhã. Anh nghe em đây : tất cả những gì với anh bây giờ là trò chơi thì với em chính là cuộc sống và bây giờ phải là cuộc sống đối với anh, còn tất cả những gì anh đã đem cực nhọc và lo âu để làm nên thì đối với em cái ấy là trò chơi, và theo em chẳng đáng giá gì để sống cho chúng cả. Em sẽ không thay đổi nữa đâu, Anselm à, bởi vì em sống theo một quy luật nằm trong tim em. Nhưng anh cóthể đổi khác không ? Và anh sẽ phải đổi khác đi, nếu muốn lấy em làm vợ."

Bị đánh trúng tâm lý, Anselm lẳng lặng trước ý muốn của nàng, ý muốn mà chàng đã cho là yếu ớt và đùa bỡn. Chàng ngậm câm và bóp nát một bông hoa lấy ở bàn trong bàn tay run rẩy của chàng. Bấy giờ Iris dịu dàng lấy bông hoa ở bàn tay chàng ra, cử chỉ này như một lời trách móc nặng đâm thẳng vào tim chàng - nàng bỗng mỉm cười một cách rạng rỡ và đáng yêu, khi bất ngờ tìm ra trong bóng tối một giải đáp :

Nàng nói nhỏ nhẹ và hơi đỏ mặt lên: "Em có một ý kiến. Có lẽ anh sẽ thấy nó kỳ cục và cho đó là một tánh chướng, nhưng ý kiến này không phải là một tánh chướng đâu. Anh muốn nghe chăng? và anh có muốn chấp thuận nó để nó quyết định cho chúng ta chăng?"

Anselm nhìn chăm chú cô bạn gái mà chẳng hiểu gì cả, lo âu hiện lên ở nét mặt xanh xao. Nụ cười mỉm của nàng buộc chàng tin cẩn nàng và nói vâng.

"Em muốn đưa cho anh một công việc", nàng vừa nói và bỗng trở nên nghiêm trang.

"Nầy, em hãy nói đi, đó là quyền của em." Anselm trả lời tùng phục.

Nàng nói: "Đây là điều nghiêm trọng của em và là lời nói cuối cùng của em. Anh có muốn đón nhận nó như đến từ linh hồn của em và không mặc cả so đo, dù cho anh không hiểu ngay điều đó không?". Anselm hứa. Bây giờ nàng vừa nói vừa đứng dậy và đưa tay cho chàng.

"Nhiều lần anh đã nói với em là mỗi khi anh nói tên em anh đều cảm thấy nhớ đến một điều gì đã bị quên lãng nhưng đối với anh đã là rất trọng đại và thần thánh. Đó là một dấu hiệu, Anselm à, và điều đó đã thúc đẩy anh trong mọi năm đến với em, em cũng tin là anh đã đánh mất và quên đi một điều gì
quan trọng và thần thánh trong linh hồn mình, điều đó cần phải được đánh thức lại, trước khi anh có thể tìm ra hạnh phúc và đạt tới định mệnh của anh: hãy đi và hãy nhìn cho đến khi tìm lại cho được trong ký ức anh điều đó, điều mà anh nhớ đến mỗi khi nói tên em. Ngày nào anh tìm ra được thì ngày ấy em sẽ là vợ anh, sẽ đi với anh đến nơi nào anh muốn và sẽ không có ước muốn nào nữa ngoài ước muốn của anh".

Chàng Anselm bối rối bàng hoàng muốn ngắt lời nàng và trách rằng lời yêu cầu đó là một tính chướng nhưng tia nhìn trong sáng của nàng nhắc nhở lời chàng đã hứa nên chàng phải ngậm yên. Với cặp mắt mỏi mệt và chịu thua chàng nắm tay nàng đưa lên môi hôn và từ giã.

Trong đời chàng đã nhận nhiều bổn phận và đã giải quyết chúng, nhưng không bổn phận nào kỳ lạ, quan trọng mà lại nản chí như bổn phận này. Ngày ngày chàng đi lang thang và ngẫm nghĩ về nó đến mệt đừ, có những lúc chàng tuyệt vọng và giận dữ cho công việc này là một tính khùng của đàn bà và đã toan vứt đi không nghĩ đến nữa. Nhưng rồi trong thâm tâm chàng có điều gì ví như một chút đau bí ẩn mỏng manh, một nhắc nhở không lời rất dịu dàng phản đối lại ý nghĩ đó. Giọng nói nhỏ nhẹ này, giọng nói đi từ thâm tâm của chính chàng, đã đồng tình với Iris và cũng đòi hỏi như nàng vậy.

Duy công việc đó quả thật là khó khăn cho người đàn ông trí thức này. Chàng phải nhớ lại điều mà từ lâu chàng đã quên khuấy đi, chàng phải gỡ cho ra một sợi dây vàng duy nhất khỏi tấm lưới nhện của những năm dài đã chìm mất vào lãng quên, chàng phải với bắt bằng hai tay và phải đem lại cho người
yêu một thức gì mà thức đó không chi khác hơn là một tiếng chim kêu đã thoảng đi, một thoáng bay của cảm hứng hay u sầu khi nghe một bản nhạc, một thứ gì còn mỏng manh hơn, phôi pha hơn và vô hình hơn tư tưởng, hư vô hơn một giấc mộng ban đêm, và lãng đãng vô định còn hơn sương mù buổi sáng.

Lắm lúc, chàng đã toan vất đi tất cả vì chán nản và cáu kỉnh, thôi không tìm kiếm nữa, thì tuồng như vô tình có cái gì thổi nhẹ vào chàng như một hơi thở từ những khu vườn xa xôi, chàng thì thầm với mình tên Iris, 10 lần và nhiều lần hơn, nhỏ nhẹ và đùa cợt như khi người ta thử âm thanh trên một phím đàn căng dây Iris", chàng thì thào, "Iris" và với một cơn đau nhẹ chàng cảm thấy trong thâm tâm có điều gì đang chuyển động, y như trong một căn nhà cũ bị bỏ hoang cánh cửa vô cớ bỗng mở ra và tấm song kêu kẽo kẹt. Chàng kiểm soát lại những hoài niệm mà chàng tưởng đã mang trong mình một cách thứ lớp. Chính trong lúc kiểm điểm này chàng đi đến những khám phá kỳ lạ và kinh ngạc. Kho tàng kỷ niệm quả là vô cùng bé nhỏ hơn là chàng tưởng : ngoảnh lại thì thấy những năm tròn mất đi và đứng trơ trống rỗng như những trang giấy không có chữ viết. Chàng bắt gặp mình phải cố gắng lắm mới tưởng tượng lại rõ rệt hình ảnh của mẹ, chàng đã hoàn toàn quên không biết cô gái hồi chàng còn thư sinh theo đuổi tán tỉnh say mê một năm tròn tên là gì. Chàng sực nhớ đến con chó ngày xưa chàng mua trong một phút bốc đồng hồi còn là sinh viên, chú ta đã sống với chàng một quãng thời gian lâu. Vậy
mà phải mất mấy ngày chàng mới nhớ lại được tên con chó.

Lòng đầy đau thương, chàng trai tội nghiệp nghiệm ra với bao nỗi buồn nản và lo âu chồng chất quãng đời sau lưng mình đã tiêu tan và trống rỗng biết bao, quãng đời đó không phụ thuộc vào chàng nữa mà xa lạ và không liên hệ gì đến chàng, tỉ như điều mà xưa kia ta đã thuộc nằm lòng nhưng bây giờ phải mệt nhọc ráp lại từng mảnh vụn vô vị. Chàng bắt đầu viết, chàng muốn quay về từng năm từng năm một viết lại những mảnh sống quan trọng của đời mình, để được nắm lại chúng chắc chắn trong tay. Nhưng ở đâu là những mảnh đời quan trọng nhất ? Lúc chàng trở thành giáo sư chăng ? Lúc chàng có lần là ông tiến sĩ, là cậu học sinh, là chàng sinh viên chăng, hay là có lần trong quãng thời gian đã bặt tăm lúc cô gái này cô gái nọ đã làm chàng vừa lòng một thời gian chăng ? Hãi hùng chàng ngước nhìn lên : đó là đời sống chăng ? Và đời sống chỉ có thế thôi sao ? Chàng đập tay vào trán và cười dữ
dội.

Trong lúc đó thời gian vẫn trôi qua, chưa bao giờ thời gian lại qua mau và tàn nhẫn đến thế. Một năm đã chấm dứt và chàng thấy mình vẫn đứng đúng một chỗ như trong giờ phút chàng giã từ Iris. Tuy nhiên mỗi người ngoài chàng ra đều thấy và biết là chàng đã thay đổi rất nhiều. Chàng trở nên vừa già
vừa trẻ hơn. Đối với bạn bè chàng hầu như thành xa lạ, người ta thấy chàng lơ đãng, hay cáu và kỳ cục, lâu dần chàng được mệnh danh là một quái nhân, thật đáng tiếc cho chàng, nhưng cũng do chàng cứ ở vậy làm trai tân quá lâu mà ra thế đấy. Đã có lần chàng quên cả bổn phận của mình và học trò chàng đợi chàng vô ích cả buổi, lại có khi chàng lếch thếch trên đường phố, lần theo những ngôi nhà và quét bụi của vệ thành bằng cái quần rách rưới lê thê. Nhiều người cho chàng đã bắt đầu uống rượu. Lần khác có lúc chàng bỗng ngưng lại chốc lát giữa một bài giảng trước học trò, lục lạo trong trí nhớ
một điều gì, rồi mỉm cười một cách trẻ thơ và nhiệt thành - điều mà người ta không bao giờ thấy chàng làm, rồi tiếp tục giảng bằng một giọng ấm áp và cảm động đi thẳng vào tim của học trò.

Chàng không biết rằng từ lâu một ý nghĩa mới đã đến với chàng trong chuyến thám hiểm vô vọng theo sau những hương thơm và dấu vết đã bị thổi mất của những năm tháng xa xưa. Rất lắm khi chàng nhận thấy rằng đằng sau những điều chàng gọi là kỷ niệm còn nằm những kỷ niệm khác nữa, ví như trên bức
tường đầy tranh vẽ đôi khi còn những bức tranh xưa hơn bị vẽ chồng lên, nằm ngái ngủ ẩn sau những bức vẽ cũ. Có khi chàng muốn soát ký ức để nhớ về một điều gì, ví dụ tên một thành phố, ở đó kẻ du khách là chàng đã dừng lại đôi ngày, hay là nhớ ngày sinh nhật của một người bạn, hay nhớ một điều gì đó và trong khi chàng đào bới và lục lọi một mảng nhỏ của dĩ vãng như một đống tro tàn, chàng bỗng sực nhớ một điều hoàn toàn khác hẳn. Một thoáng hơi thở bao trùm lấy chàng, nhu một làn gió tháng tư, hay như một ngày sương mù tháng chín, chàng ngửi thấy một hương thơm, nếm một mùi vị và cảm thấy những cảm giác dịu dàng âm u ở đâu đây, trên da, trong mắt, trong tim và dần dần điều đó trở nên rõ rệt với chàng : phải là vào một ngày nào đó xưa kia, trời xanh và ấm hay mát và xám, hay một ngày nào đó, và tinh hoa của ngày ấy đã được giữ lại trong tim chàng và vẫn còn treo lơ lửng như một kỷ niệm lờ mờ trong tâm tư. Chàng không thể tìm thấy lại được cái ngày mùa xuân hay ngày đông giá ấy trong quá khứ có thật của chàng, cái ngày mà chàng đã ngửi và đã cảm nhận một cách thật rõ rệt, chúng đã không có tên và không có số, có lẽ trong thời sinh viên, có lẽ lúc chàng còn nằm trong nôi,
nhưng thoáng hương xưa đã thoảng về và chàng cảm thấy trong lòng có điều gì sống động mà chàng không biết và không thể gọi tên hay xác định được. Lắm khi chàng có cảm tưởng rằng khả dĩ cũng xuyên qua cuộc đời hiện tại này những hoài niệm ấy có thể lui về chạm mặt với những quá khứ của cuộc hiện hữu trước đây, mặc dù chàng mỉm cười nghi ngờ về điều đó.

Có lắm điều Anselm đã tìm thấy được trên các cuộc lang thang vô định qua những gỡ thẳm của ký ức, lắm điều chàng đã tìm thấy làm cho chàng cảm động và xao xuyến, cũng có điều làm chàng kinh hoảng và lo sợ, nhưng có một điều chàng đã không tìm ra được, đấy là cái tên Iris có ý nghĩa gì đối với
chàng.

Thuở ấy trong cơn dày vò vì không thể tìm ra được điều đó, chàng trở về thăm lại quê cũ, thấy lại những khu rừng và các con đường, những cầu gỗ và hàng rào, chàng đứng trong khu vườn của thời thơ dại cũ và cảm nghe sóng lòng rào rạt, quá khứ bao trùm chàng như giấc mộng. Buồn bã và yên lặng
chàng rời chốn cũ trở về phố. Chàng cáo bệnh và đuổi khách không tiếp một ai.

Nhưng có một người tìm đến. Đó là người bạn mà chàng đã không gặp nữa từ ngày chàng xin cưới nàng Iris. Người ấy đến và thấy Anselm ngồi lếch thếch trong thảo am tẻ ngắt của chàng.

"Dậy đi !" Người bạn nói, "Iris muốn gặp anh đấy !" Anselm nhổm bật dậy :

"Iris hả ! Chuyện gì xảy ra cho nàng vậy ? Đấy tôi biết mà, biết mà !"

Người bạn dục : "", đi với tôi, Iris sắp chết, nàng bị bệnh từ lâu rồi".

Hai người đi đến Iris, nàng nằm trong giường tĩnh dưỡng, nhẹ và gầy như một đứa trẻ, và mỉm cười rạng rỡ qua đôi mắt mở lớn. Nàng đưa tay trẻ thơ trắng và mảnh cho Anselm nắm, bàn tay nằm trong tay chàng như một bông hoa, vẻ mặt nàng như đã biến sắc và nói :

"Anselm ơi ! Anh có giận em không ? Em đã đưa cho anh một sứ mệnh rất khó khăn, và em biết anh vẫn trung thành với nó. Hãy tiếp tục tìm kiếm và hãy đi con đường đó cho đến khi anh đến đích. Anh đã nghĩ là vì em mà đi con đường đó, nhưng anh đi chính cho anh đấy, anh có biết điều đó không ?"

"Anh linh cảm điều đó" Anselm nói, "và bây giờ thì anh biết rồi. Đó là một con đường dài, Iris à và anh đã toan trở gót từ lâu, nhưng anh không còn con đường lùi nữa. Anh không biết rồi anh sẽ ra sao."

Nàng nhìn thẳng vào đôi mắt buồn rầu của Anselm, mỉm cười trong sáng và an ủi, Anselm cúi xuống trên bàn tay mỏng manh và khóc rất lâu đến nỗi bàn tay nàng đẫm cả nước mắt của chàng.

"Anh sẽ phải ra sao, nàng nói bằng một giọng mơ hồ như một tia sáng kỷ niệm, anh có phải ra sao, điều đó anh phải tự hỏi mình. Trong đời anh, anh đã tìm kiếm nhiều rồi. Anh đã tìm kiếm danh vọng, hạnh phúc và tri thức và anh đã kiếm em, Iris nhỏ bé của anh. Tất cả điều đó chỉ là những hình ảnh
đẹp và chúng lìa bỏ anh như em phải lìa bỏ anh bây giờ. Chính em cũng đã ở trong tâm trạng này. Luôn luôn em đã tìm kiếm và luôn luôn chúng là những hình ảnh đẹp đáng yêu và luôn luôn chúng lại rơi rụng và héo tàn. Bây giờ em không biết một hình ảnh nào nữa, em không tìm kiếm gì nữa, em đang trở về quê nhà và chỉ cần bước một bước nữa thôi là em ở trong Quê hương. Anselm ơi, anh cũng sẽ đi đến đó và sẽ không còn những vết nhăn trên trán".

Nàng xanh lướt đến nỗi Anselm kêu lên tuyệt vọng : "Iris ơi, hãy đợi một chút đừng vội đi ngay. Hãy để lại cho anh một dấu gì để em khỏi mất đi hoàn toàn trong anh !"

Iris gật đầu, nàng đưa tay lấy trong cốc thủy tinh ở bàn bên và đưa cho Anselm một đóa hoa huệ xanh mới chớm nở.

"Anh hãy giữ lấy đóa hoa của em, hoa Iris, và đừng quên em, hãy tìm Iris và rồi anh sẽ đến với em được".

Anselm nức nở đón giữ đóa hoa trong đôi tay và từ giã trong nước mắt. Mấy hôm sau người bạn chàng bắn tin, chàng lại đến và giúp bạn trang hoàng quan tài nàng bằng hoa và mang nàng về với đất.

Thế rồi cả cuộc đời sụp đổ sau lưng chàng, chàng tưởng không thể nào dệt tiếp được sợi dây vàng kia nữa. Chàng thôi tất cả, rời bỏ thành phố và sở làm và biệt tích trên thế gian. Đó đây người ta thỉnh thoảng thấy chàng có lần xuất hiện nơi quê cũ, đứng tựa người vào hàng rào khu vườn xưa, nhưng
khi mọi người hỏi đến chàng và nhận lo lắng cho chàng thì chàng lại bỏ đi và biến mất.

Chỉ có hoa huệ tím là vẫn đáng yêu đối với chàng. Chàng thường cúi cong người trên đóa hoa, bất cứ ở đâu khi thấy hoa và khi chàng đưa mắt nhìn lâu vào đài hoa, thì tựa hồ như hương thơm và linh cảm về tất cả những gì quá khứ và vị lai đang bay lại gần với nhau từ cái nền hoa màu xanh nhạt ấy,
cho đến khi chàng buồn rầu tiếp tục bỏ đi, bởi vì sự toại nguyện về điều chàng muốn biết đã không đến. Nhưng lúc đó chẳng khác gì chàng đang rình rập ở một cánh cửa hé mở nào đó nghe thấy sự bí nhiệm đáng yêu nhất mà chàng tìm kiếm đang hô hấp đằng sau cánh cửa nhưng khi chàng cho rằng bây giờ và bây giờ đây mọi sự phải hiện ra và thành tựu trong chàng thì cánh cửa đã đóng sập lại và ngọn gió trần gian lại trải lạnh trên nỗi cô đơn của chàng.

Trong giấc mơ chàng thấy mẹ nói chuyện với chàng, trong bao năm đằng đẵng chưa bao giờ chàng cảm thấy hình dáng và nét mặt mẹ bây giờ lại gần gũi và rõ rệt đến thế. Iris cũng hiện ra nói chuyện với chàng. Khi chàng tỉnh giấc, dư âm vẫn còn vọng lại làm cho suốt ngày hôm sau chàng bần thần suy
ngẫm. Chàng không còn có một nơi cố định nào, đi lang thang xa lạ trên các miền quê, ngủ ở các nhà hoang, ngủ ở trong rừng, ăn bánh mì hay dâu dại, uống rượu hoặc sương đọng trên các bụi cây, chàng cũng không biết đến nữa. Đối với nhiều người chàng là một thằng điên, người khác thì cho chàng là
một tên ảo thuật, nhiều kẻ hãi sợ chàng, nhiều người chế nhạo chàng, có lắm người lại thương chàng. Chàng học những điều mà không bao giờ chàng có thể : sống chung với trẻ con và chia xẻ những trò chơi kỳ lạ của chúng, như nói chuyện với một cành cây gãy hay với một viên đá nhỏ. Đông và hè lướt qua bên chàng, và chàng thì cứ nhìn vào những đài hoa, vào suối với hồ.

Đôi khi chàng tự nói với mình : "Hình ảnh, tất cả chỉ là hình ảnh".

Nhưng tận trong thâm tâm chàng đã cảm nhận được một thực thể, thực thể này không phải là hình ảnh mà chàng theo dõi, và đôi khi cái thực thể trong lòng chàng biết lên tiếng nói, giọng nói đã là giọng nói của Iris và của mẹ là niềm an ủi và sự hy vọng.

Có những phép màu xảy đến cho chàng và không làm chàng ngạc nhiên. Và như thế thuở ấy chàng đội tuyết băng qua một hố thẳm đông giá, nước đá mọc lên cứng bộ râu dài. Và trong tuyết trắng bỗng có một cây hoa Iris đứng đơn độc chon vót mảnh mai, cây đang đâm ra một chồi hoa đẹp lẻ loi, chàng cúi người xuống hoa và mỉm cười, bởi vì bấy giờ chàng đã nhận ra điều mà Iris đã luôn luôn nhắc nhở chàng. Chàng đã nhận ra giấc mộng trẻ thơ của chàng và thấy con đường màu xanh nhạt có những đường gân sáng dẫn vào trong sự bí nhiệm và trái tim của hoa ở giữa những chiếc đũa bằng vàng, và chàng biết rằng đấy đã là nơi mà chàng tìm kiếm, rằng ở đấy đã là cái bản thể thật sự chứ không còn là hình ảnh nữa.

Thế rồi những lời nhắn nhủ trỗi lên vang vọng trong tim chàng, những giấc mơ đến dìu chàng đi và chàng bước vào một túp lều, trong đó có nhiều trẻ con, chúng đưa sữa cho chàng uống và chàng chơi đùa với chúng, chúng kể chàng nghe những câu chuyện và kể rằng, ở trong rừng nơi những người làm than đã xảy ra một phép lạ. Rằng ở đó người ta thấy cánh cửa các linh hồn mở ra, và cánh cửa này chỉ mở từng ngàn năm một mà thôi. Chàng lắng tai nghe và gật đầu biểu đồng tình với hình ảnh đáng yêu đó, chàng tiếp tục đi, một con chim hót trước mặt chàng trong bụi liễu, giọng hót ngọt ngào hiếm có như giọng nàng Iris đã quá cố. Chàng đi theo chim, con chim cứ tiếp tục bay và nhảy hót mãi mãi, qua ngọn suối, và đi sâu vào các khu rừng.

Khi con chim bặt tiếng và Anselm không nghe cũng không thấy chim đâu nữa thì chàng dừng lại và nhìn quanh mình, chàng thấy mình đang đứng trong một thung lũng sâu trong rừng, một lạch suối chảy nhỏ nhẹ dưới những tàng lá cây xanh rộng, ngoài ra toàn thể vạn vật đều yên lặng và đợi chờ. Nhưng trong lồng ngực của chàng tiếng chim vẫn tiếp tục hót bằng một giọng yêu thương và thúc dục chàng tiếp tục đi, cho đến khi chàng đến đứng trước một bức tường chồng chất những đá và phủ đầy rêu, ở giữa bức tường nứt ra một khe hở chật hẹp dẫn vào bên trong ngọn núi.

Một ông già đang ngồi trước cửa hang, đứng dậy khi thấy Anselm đi đến và la lên : "Hãy lui, người kia, hãy lui đi ! Đây là cánh cửa ma, chưa có kẻ nào trở lại khi đi vào trong".

Anselm ngẩng đầu nhìn vào trong miệng hang, chàng thấy ở đấy một con đường màu vàng đứng chen nhau, con đường mòn thoải xuống hướng về bên trong như vào trong đài một bông hoa khổng lồ.

Trong lồng ngực tiếng chim hót lảnh lót và Anselm bước qua người gác cổng vào sâu trong miệng hang, đi qua dãy cột vàng vào tận trong cái bí nhiệm màu xanh lơ của cốt lõi nội tâm.

Đây chính là Iris, chính là chàng đang thâm nhập vào trái tim Iris, và đây chính là đóa hoa huệ kiếm ở trong khu vườn của mẹ, chính trong đài hoa xanh tím của nó chàng đang bước vào lơ lửng như bay lượn và trong khi chàng yên lặng tiến đến khoảng u minh bằng vàng ấy thì đột nhiên tất cả những kỷ niệm, những tri thức đều hiển hiện một loạt trong chàng, chàng sờ thấy tay mình, bàn tay nhỏ và mềm, những tiếng nói yêu đường vang vọng gần gũi và tin cẩn trong tai chàng, và chúng vang vọng như thế đó, và những cột vàng óng ánh như thế ấy, y hệt như ngày xưa tất cả đã vang tiếng và chiếu sáng cho chàng trong những mùa xuân của thời thơ dại.

Giấc mộng của chàng cũng đã quay về, giấc mộng chàng đã mơ hồi còn là chú bé con : mơ rằng chàng đang bước xuống đài hoa và sau lưng chàng toàn thể thế giới của các ảnh tượng đều cùng bước theo, chuồi theo và chìm sâu vào trong sự bí nhiệm nằm sau tất cả các kinh hãi.

Nhẹ nhàng Anselm bắt đầu cất tiếng hát, và con đường chàng đi êm ái chìm dần vào chốn Quê hương (Heimat).


Hermann Hesse
Bản dịch của Thái Kim Lan
(1). Schxertlilie : hoa huệ màu tím, thân hình như một cái kiếm. Iris : tên
hoa huệ kiếm - có thể dịch bóng là Huệ tím.
(2). Kapuziner : một loài thảo hoa có màu đỏ.
(3). Goldlack : một loài hoa chữ thập màu vàng - tạm dịch "Hoàng thập"

 

Bản Giao Hưởng Tuyệt Vời

<>Thích Nữ Diệu Huệ

Thuở xưa, trong một khu rừng nọ, có một con vượn mẹ bồng một con vượn con, chuyền trên các cành cây để hái trái ăn. Bỗng đâu, một thợ săn xuất hiện, giương cung bắn trúng vượn mẹ và bắt được cả hai mẹ con nhà vượn. Vượn mẹ bị thương, tự biết không thể sống được, liền vắt hết sữa trong mình cho con bú. Về đến nhà, người thợ săn làm thịt vượn mẹ, thấy ruột nó đứt ra từng khúc. Vượn con nhớ mẹ, buồn bã bỏ ăn mấy ngày rồi chết. Tình mẫu tử nơi loài thú mà còn thiết tha như thế khiến khu rừng kia cũng phải buồn lây, trút lá ngập rừng và người đời về sau hay dùng cụm từ "buồn đứt ruột" để diễn tả nỗi buồn lớn lao không chịu nỗi…


Trong nhân gian, những mẫu chuyện về tình mẫu tử cũng được tích lũy nhiều hơn, đã làm cạn biết bao nguồn mực mà không thể nào làm cạn được tình cảm thiêng liêng ấy.


Thuở xưa, có hai mẹ con đang sống cuộc sống êm đềm, người con trai hàng ngày làm lụng đủ tiền nuôi hai mẹ con. Trong nhà có trồng một luống hẹ. Mỗi lần nấu canh, người mẹ cứ lấy thước đo từng nấc một. Về sau, người con bị hàm oan, phải sống cảnh ngục tù. Bà mẹ nhớ con, một hôm lặn lội đi thăm, đem cho con vài món thức ăn, trong đó có bát canh hẹ.


Khi được chủ ngục trao giỏ thức ăn, người con giở ra thấy bát canh hẹ, cứ khóc mà không ăn. Chủ ngục hỏi lý do, người con nói: "Lúc ở nhà, mỗi khi nấu canh hẹ, mẹ tôi cứ lấy thước đo từng tấc một. Nay trông thấy bát canh, tôi nghĩ mẹ già rồi mà còn phải vì con lặn lội đi thăm nên tôi không tài nào nuốt được thức ăn của mẹ nấu". Người chủ ngục đem tình cảm ấy bẩm lên quan trên. Quan nghĩ: Một người con có hiếu như vậy thì không có thể là người gây án, liền điều tra lại, quả thấy người kia mắc tội oan, liền tha cho về sum họp với mẹ...


...Xưa kia, phương tiện giao thông khó khăn, cách trở. Muốn sang bên kia sông thường không có cầu mà phải quá giang những chuyến đò ngang. Vào một đêm mưa gió, có một cậu bé con tuổi độ 12, đang đêm gọi đò đưa sang sông tìm thầy hốt thuốc cho mẹ bị ốm nặng. Cậu bé ra đi với lòng bồn chồn lo lắng, sợ không đem thuốc kịp về…


Dù cậu bé có về kịp và có cứu sống được mẹ không, điều đó không quan trọng nhưng hình ảnh đứa con thân yêu, bé bỏng, vì mình phải lặn lội trong đêm mưa gió, sang sông cách trở, vẫn tạo được một sự xúc cảm, một sự ấm lòng cho người mẹ đang ốm đau. Nếu bà mẹ không qua khỏi cơn bệnh thì thần thức lúc lâm chung cũng được thanh thản, mãn nguyện……


……Vào một đêm trước lễ Giáng sinh, có một thiếu phụ đang mang thai lần trước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một con mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ đang đi, bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên. Thiếu phụ biết mình không thể đi xa hơn được nữa, liền men xuống phía khuất dưới cầu.


Đơn độc giữa những chân cầu, thiếu phụ đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, thiếu phụ lần lượt trút bỏ áo quần ra, quấn quanh mình đứa con bé xíu, vòng từng vòng lại giống như cái kén. Rồi tìm thấy được một miếng bao tải nơi chân cầu, thiếu phụ trùm vào người và kiệt sức bên cạnh đứa con.


Sáng hôm sau, một phụ nữ lái xe ngang qua đó. Khi đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe băng qua cầu định tìm người sửa xe giúp, bà bỗng nghe tiếng khóc trẻ thơ yếu ớt bên dưới. Bà men xuống gầm cầu, tìm thấy đứa bé sơ sinh, khóc lả bên người mẹ đã chết cóng.


Bà đem đứa bé về nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ Giáng sinh, nhằm sinh nhật thứ 12 của cậu , cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến viếng mộ người mẹ tội nghiệp của mình. Khi đến nơi, cậu bảo mẹ nuôi đợi ở xa xa, trong lúc cậu khấn mẹ. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc mãi hồi lâu. Thế rồi…, cậu bỗng cởi cả áo quần và đặt lên mộ mẹ.


Bà mẹ nuôi vội đến bên cạnh, thấy cậu đang rét run giữa trời Đông, bảo cậu mặc quần áo vào lại. Lúc ấy, cậu bé như không biết có người khác bên cạnh, tha thiết, nghẹn ngào nói với người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết mặt: "Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?…" và cậu bé òa lên khóc nức nở (Trích "Nghệ thuật sống" của Chơn Hiền Ngọc)...


...Có một cô gái bị tật nơi chân, đi đứng khó khăn, chậm chạp, sống với mẹ già nơi một vùng hẻo lánh, cách Phổ Đà Sơn mấy dặm đường. Lúc mẹ bị bệnh nặng, cô gái được mách ở Phổ Đà Sơn có Đức Quán Thế Âm rất linh ứng. Người có tâm chí thành, đến đấy cầu nguyện thường được như ý. Cô gái muốn đưa mẹ đến đó cầu Đức Quán Thế Âm nhưng mẹ đang bệnh nặng, còn nàng thì đôi chân tật nguyền… Lòng thương mẹ và ý chí tha thiết cầu hồng ân Bồ-tát. Khiến nàng nghĩ ra một cách: Hằng ngày, ngoài những giờ hầu mẹ, còn lại bao nhiêu khoảng thời gian, nàng ra trước nhà, hướng về Phổ Đà Sơn, cứ bước lên lạy một lạy rồi lui về một bước. Lòng nàng nghĩ: một bước bước lên lạy Đức Quan Thế Âm là để cầu cho mẹ hết bịnh, một bước lùi lại là để dòm ngó, chăm sóc mẹ già. Lòng hiếu của cô gái đã tạo được sự cảm ứng; chỉ trong ba ngày, mẹ nàng lành bệnh mà nàng cũng khỏi tật đôi chân. Cô gái càng tin thêm vào oai lực Phật pháp, ngày ngày vẫn hướng về Phổ Đà Sơn lạy Đức Bồ-tát Quan Thế Âm...





"Buổi chiều mẹ lên rẩy,


Thấy bóng cây Kơ-nia


Bóng tròn che lưng mẹ


Về nhớ anh mẹ khóc".


Qua bốn câu trên của bài thơ "Bóng cây Kơ-nia", ta thấy bà mẹ này chính là một trong trăm nghìn bà mẹ Việt Nam có con ra chiến trường. Vì nước vì non, mẹ già đành phải dằn lòng, cho con đi chinh chiến. Nếu người con trai được tin người nhắn gởi, chỉ vỏn vẹn một câu thôi: "Mẹ nhớ anh, mẹ khóc" là đủ nâng ý chí kiên quyết chống giặc cho đất nước chóng thanh bình để được về gặp mẹ.


Hình ảnh này, và còn biết bao hình ảnh của biết bao bà mẹ có con đi chinh chiến, hằng ngày tựa cửa, dõi mắt về phương trời xa, theo từng bước chân con ngoài trận tuyến và từ xưa nay, những hình ảnh đó vẫn mạnh hơn tiếng trống trận thúc giục, khiến những người con trai hăng hái xông pha vào lằn tên mũi đạn, dẹp giặc để chóng có ngày hát khúc khải hoàn, sung sướng ngả vào vòng tay chờ đợi của mẹ hiền.


Từ xưa nay, tình mẫu tử vẫn quý nhất. Qua những mẫu chuyện trên, hoặc có thật, hoặc do người đời suy nghĩ, sáng tác, vẫn nói lên được sự khế hợp hài hòa giữa lòng mẹ và tình con. Có những người mẹ như thế thì có những người con như thế… Có những bà mẹ, đứa con như thế, cuộc đời được tô điểm thêm lên biết bao!


Nếu nhạc sĩ trứ danh Beethoven đã tận dụng sự phong phú, đa dạng về hòa thanh, âm sắc, độ vang, của nhiều nhạc khí để tạo nên những giao hưởng để đời thì những bà mẹ, những đứa con ấy cũng đã đem hết những nghĩ thương lo lắng cho nhau, tận tụy vì nhau, làm được cho nhau những điều vui sướng, hành phúc và cảm động… cũng chính là những Beethoven đã tạo nên giao hưởng cho tình mẫu tử.




Có thể nói:


"Hiếu cảm đến trời thì mưa thuận gió hòa


Hiếu cảm đến đất thì vạn vật xinh tươi"


Và "Hiếu cảm đến người thì tạo nên những giao huởng tuyệt vời".


TNDH.

Monday, August 30, 2004

 

3 điều...


… một khi đã qua không lấy lại được:

+ Thời gian

+ Lời nói

+ Cơ hội

… không được đánh mất:

+ Sự thanh thản

+ Hy vọng

+ Lòng trung thực

… có giá trị nhất trong đời:

+ Tình yêu

+ Sự tự tin

+ Bạn bè

… không bao giờ bền vững:

+ Giấc mơ

+ Thành công

+ Tài sản

… làm nên giá trị con người:

+ Siêng năng

+ Chân thành

+ Thành đạt

… làm hỏng một con người:

+ Rượu

+ Lòng tự cao

+ Sự giận dữ

Cảm ơn Tú Đoan đã gởi cho mọi người.


This page is powered by Blogger. Isn't yours?